![]() |
Chính phủ dồn lực để tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu trên 8% |
Chính phủ quyết tâm mạnh mẽ trong việc huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp tư nhân, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp công nghệ chỉ là bước khởi đầu trong chuỗi các biện pháp quyết liệt nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025 và hướng tới tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
Doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong quá trình hiện thực hóa tăng trưởng kinh tế. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khu vực doanh nghiệp đóng góp đến 60% GDP, 98% kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho 85% lao động cả nước. Do đó, việc thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp đồng nghĩa với việc tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia.
Tại TP.HCM, khu vực kinh tế tư nhân đã thể hiện vai trò quan trọng trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, dịch vụ và công nghệ cao. Các doanh nghiệp như VNG, Tiki, MoMo không ngừng đổi mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số. Trong khi đó, tại Bình Dương và Đồng Nai, các doanh nghiệp sản xuất như Thaco, VinFast, Hòa Phát đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ cao và hợp tác với các tập đoàn quốc tế như Samsung, Intel.
Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thanh khoản và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ đặt mục tiêu cung ứng từ 2,5 - 3 triệu tỷ đồng tín dụng vào nền kinh tế năm 2025, cao hơn so với con số 2,2 triệu tỷ đồng của năm 2024. Các ngân hàng như Vietcombank, Techcombank đang triển khai nhiều gói tín dụng linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để đảm bảo tăng trưởng bền vững. TP.HCM đang phát triển mạnh mẽ Khu công nghệ cao tại TP Thủ Đức, thu hút đầu tư nước ngoài và hỗ trợ các công ty công nghệ trong nước như FPT, TMA Solutions phát triển.
Từ những quyết tâm đó để thất mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 không chỉ còn là phương hướng phấn đấu mà đã trở thành chỉ tiêu bắt buộc. Chính phủ đã chính thức trình Đề án phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên. Đề án này đã được thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sẽ được trình lên Quốc hội tại kỳ họp bất thường vào tháng 2/2025.
Theo kịch bản tăng trưởng, để đạt mức trên 8%, khu vực công nghiệp - xây dựng cần tăng trưởng trên 9,5%, khu vực dịch vụ trên 8,1%, còn khu vực nông - lâm - thủy sản trên 3,9%. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục được xác định là động lực chính của nền kinh tế.
Chính phủ cũng đã chỉ ra các động lực quan trọng cho tăng trưởng, trong đó tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến đạt 174 tỷ USD, chiếm 33,5% GDP. Đầu tư công sẽ đạt khoảng 36 tỷ USD, đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD, và đầu tư nước ngoài khoảng 28 tỷ USD. Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng trên 12%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng ít nhất 12%, với thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD.
Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng là đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Với con số dự kiến 875.000 tỷ đồng, việc đạt tỷ lệ giải ngân 95% như mục tiêu sẽ hỗ trợ rất lớn cho nền kinh tế. Như Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, “Tiền đã có, địa chỉ cũng đã có, việc còn lại là nỗ lực để giải ngân.”
Các vùng kinh tế trọng điểm cũng phải phát huy vai trò dẫn dắt. Các địa phương được giao mục tiêu tăng trưởng GRDP tối thiểu từ 8-10%, với Bắc Giang đạt 13,6%, Thanh Hóa 11%, Đà Nẵng 10%, Quảng Ninh 12%. Hà Nội và TP.HCM lần lượt đặt mục tiêu tăng trưởng 8% và 8,5%.
Việc “giao KPI” tăng trưởng sẽ tạo áp lực lớn nhưng cũng là động lực mạnh mẽ để các địa phương đẩy nhanh tiến độ phát triển. Như Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã triển khai ngay các nhiệm vụ phát triển kinh tế từ đầu năm, đặt mục tiêu giải ngân vốn đạt 95% trong năm 2025.
Ngoài ra, để đảm bảo tăng trưởng bền vững, Chính phủ cũng nhấn mạnh sự cần thiết của cải cách thể chế, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời sẵn sàng điều chỉnh bội chi ngân sách nếu cần thiết để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Rõ ràng, để đạt mức tăng trưởng trên 8%, cần có sự quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt từ tất cả các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Như Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, mỗi cá nhân và đơn vị phải làm việc với năng suất gấp đôi so với hiện tại để có thể hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng này.