Cải cách TTHC chưa 'chạm' vào khó khăn cốt lõi của người dân, doanh nghiệp

22:28 14/06/2023

Nhìn về 3 "làn sóng" cải cách thủ tục hành chính từ năm 2016 đến nay, Tiến sỹ Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các lần cải cách này chưa “chạm” vào những khó khăn cốt lõi của người dân, DN.

Ảnh minh họa
Khu vực giải quyết thủ tục hành chính của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội. Ảnh minh họa: Lâm Khánh/TTXVN.

Tiến sỹ Đặng Đức Anh đã trao đổi với phóng viên TTXVN, làm rõ hơn về những kết quả cải cách.

Từ năm 2016 đến nay, chúng ta đã đi qua 3 "làn sóng" cải cách, lần thứ nhất là xóa bỏ hàng ngàn giấy phép con. Lần thứ hai là rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Lần này, Nghị quyết 68/NQ-CP với mục tiêu cắt giảm 20% quy định về kinh doanh trong 5 năm, rà soát, xóa bỏ những chồng chéo, xung đột, bất hợp lý. Ông nhìn nhận như thế nào về 3 lần cải cách này?

Nếu đánh giá về mặt văn bản, giấy tờ, theo tôi, cũng có những tác động tích cực nhất định để duy trì ngọn lửa cải cách. Nếu không có những làn sóng như thế, ngọn lửa cải cách về thể chế, về môi trường kinh doanh có thể sẽ tắt.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ chúng tôi theo dõi, người dân, doanh nghiệp chưa cảm nhận được rõ nét những tác động của cải cách. Khi rà soát, cắt giảm các quy định, điều kiện kinh doanh, nhiều khi chúng ta cắt giảm về mặt số lượng một cách đơn thuần, đôi khi cắt giảm là do việc ghép lại các điều kiện kinh doanh vào một điều, giảm về số lượng nhưng thực chất quy định vẫn nằm đó.

Qua tổng hợp nhiều ý kiến phản ánh, chúng tôi thấy có sự tác động từ các "làn sóng" cải cách. Mặc dù chưa có đánh giá một cách hệ thống và mang tính bao quát tất cả lĩnh vực, nhưng qua cảm nhận, phản ánh của doanh nghiệp, sự tác động của các làn sóng này chưa thực sự được nhiều. Chưa ai đánh giá xem thực sự số lượng cắt giảm đấy có đi kèm chất lượng không, có thực chất hay không.

Ngay cả lần thứ ba đó là thực hiện Nghị quyết 68, qua quá trình tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp và quá trình rà soát các quy định, chúng tôi thấy rằng các vấn đề bức xúc nhất của doanh nghiệp lại không nằm trong danh mục cắt giảm của các bộ, ngành.

Khi tham vấn doanh nghiệp về danh sách cắt giảm, họ cũng không thực sự quan tâm lắm mà lại đề xuất một danh sách khác, ít trùng lặp với danh sách các bộ, ngành đưa ra. Điều này cho thấy việc cắt giảm chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa thực sự giải quyết những vấn đề mấu chốt, khó khăn nhất của doanh nghiệp.

Nếu đánh giá một cách tổng thể các "làn sóng" cải cách, tôi cho rằng có những dấu hiệu tích cực, nhưng thực sự nó chưa “chạm” vào đến những vấn đề căn cốt, cốt lõi trong khó khăn của người dân và doanh nghiệp.

Nếu đặt lên bàn cân để tính toán, ông thấy qua 3 lần này, điều gì thay đổi tích cực nhất, về giảm số lượng thủ tục, hay là thời gian, quy trình, hay chi phí tuân thủ?

Ngay khi xây dựng Nghị quyết 68, chúng ta đặt mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 sẽ cắt giảm 20% số quy định kinh doanh, 20% chi phí tuân thủ, nhưng có bao nhiêu quy định kinh doanh, tổng chi phí tuân thủ là bao nhiêu. Muốn cắt giảm 20% thì anh phải biết tổng số là bao nhiêu. Hiện chúng ta vẫn chưa đo đếm một cách tương đối chính xác. Theo ý kiến cá nhân của tôi, mặc dù Chính phủ có con số, nhưng còn thấp rất nhiều so với thực tiễn.

Trở lại câu hỏi, qua 3 "làn sóng", tôi cho rằng cái đạt được lớn nhất là chúng ta cắt giảm được về mặt lượng, giảm được một số quy định, thủ tục hành chính, chế độ báo cáo, tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện kiểm tra chuyên ngành. Về chất lượng, còn những ngành và lĩnh vực chưa thực sự có chuyển biến.

Xét ở góc độ tổng thể, có những điểm sáng nhất định, nhưng còn rất nhiều lĩnh vực, ngành khác chưa thực sự có những bước tiến. Chúng ta vẫn theo cắt giảm cái râu ria. Vì trong kiểm đếm quy định kinh doanh, chúng ta chưa phân định được quy định đấy có quan trọng hay không, mà đang tổng hợp một cách cơ học rất nhiều quy định, bao gồm cả thủ tục hành chính, chế độ báo cáo.

Nói cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, nhưng lại nằm chủ yếu ở thủ tục hành chính, chế độ báo cáo, trong khi những các quy định kiểm tra chuyên ngành, tiêu chuẩn, điều kiện lại cắt giảm rất ít. Đấy là điểm cần quan tâm trong giai đoạn tiếp theo.

Chúng ta đi được nửa chặng đường của kế hoạch 5 năm, trong giai đoạn sau và giai đoạn tới nữa, có thể tiếp tục làn sóng thứ tư sau làn sóng 20% này. Làn sóng tiếp theo phải đi vào thực chất hơn.

Chúng ta đặt ra mục tiêu giảm 20% quy định, cuối nhiệm kỳ có thể đạt được, nhưng chất lượng đằng sau đấy như thế nào là một vấn đề. Tôi cho rằng phải có người đứng đầu thực sự tạo ra làn sóng có sự cải cách một cách thường xuyên, liên tục và tạo ra sức ép mạnh hơn, những kết quả sẽ đi sâu hơn về chất lượng.

Ảnh minh họa
Người dân Nam Định giải quyết các thủ tục hành chính tại một đầu mối là Trung tâm phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định. Ảnh minh họa: Văn Đạt/TTXVN.

Là cơ quan nghiên cứu sâu về vấn đề quản lý kinh tế, từ lắng nghe các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về các vấn đề liên quan tới cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ông thấy vấn đề gì đang nổi cộm nhất hiện nay liên quan đến các quy định mà cần khẩn trương tháo gỡ?

Theo tôi, vấn đề sát sườn nhất mà người dân và doanh nghiệp quan tâm là việc giảm chi phí. Giảm chi phí có hai góc độ, một là giảm các quy định thuế, phí; hai là liên quan đến vấn đề tín dụng, người dân, doanh nghiệp mong muốn có chính sách giảm mặt bằng lãi suất cho vay, gia hạn thời gian đối với những khoản nợ đến hạn mà không chuyển nhóm nợ.

Về mặt thể chế, doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề chồng chéo giữa các quy định pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, quy định trong các Luật Đất đai, Bất động sản, Nhà ở… đang mâu thuẫn với nhau.

Như ông vừa đề cập, hiện đang thiên về việc các cơ quan nhà nước rà soát các quy định, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp còn ít. Vừa qua, USAID đã có những hoạt động hỗ trợ khu vực tư nhân đóng góp cho công tác cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Theo ông, sự tham gia của khu vực tư nhân vào đánh giá kết quả thực thi cải cách thủ tục hành chính, quy định kinh doanh có ý nghĩa như thế nào?

Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp vừa và nhỏ (LinkSME) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ đã giúp xây dựng phương pháp luận trong việc đánh giá quy định kinh doanh, tính toán chi phí tuân thủ. Đây là một bước khá quan trọng giúp cho các bộ, ngành có khung khổ tính toán, biết được gánh nặng quy định mình đặt ra với doanh nghiệp như thế nào.

Dự án giúp tổ chức các buổi tham vấn với doanh nghiệp, hiệp hội để lắng nghe các ý kiến đóng góp về phương án cải cách của các cơ quan quản lý nhà nước có phù hợp hay không.

Ở đây chúng ta đã có sự cọ sát giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, để cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận bao quát, toàn diện hơn về các quy định của mình.

Công tác truyền thông giúp doanh nghiệp nhận thấy và có sự tích cực hơn trong việc tham gia cùng Chính phủ, các bộ, ngành cải cách môi trường kinh doanh, đặc biệt là giúp Văn phòng Chính phủ xây dựng Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Với việc tổ chức rất nhiều cuộc tham vấn, thông qua Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành có được tiếng nói của doanh nghiệp nhiều hơn.

Mặc dù có quy định là các bộ, ngành phải tham vấn doanh nghiệp về các phương án cắt giảm, nhưng rất ít bộ, ngành làm việc đó. Nếu làm được tốt hơn, đồng điệu hơn giữa Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành trong lấy ý kiến của doanh nghiệp, kết quả cải cách sẽ tốt hơn.

Ảnh minh họa
Hệ thống tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính một cửa của Sở Kế hoạch và Đầu tư (Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương). Ảnh minh họa: Minh Hưng/TTXVN.

Dự án LinkSME đang hỗ trợ Văn phòng Chính phủ đang triển khai hệ thống theo dõi những cải thiện trong môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua dữ liệu số. Chuyển đổi số là hướng đi chung của Chính phủ các nước và Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế đó. Theo ông, điều này tác động thế nào đến công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và hoạt động của doanh nghiệp?

Điều này giúp công tác theo dõi, chỉ đạo, điều hành tốt hơn. Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số, xã hội số, chính quyền số, Chính phủ số, cách thức chúng ta quản lý nhà nước, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính cần được số hóa. Trước đây chúng ta quản lý bằng văn bản, giấy tờ, nhưng bây giờ thực hiện số hóa, tốc độ và tính chính xác, hiệu quả sẽ tốt hơn. Dự án này gián tiếp thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính.

Theo ông, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta cần có giải pháp gì trong thời gian tới?

Dự án LinkSME đã hỗ trợ Văn phòng Chính phủ có nền tảng ban đầu, thể hiện ở việc xây dựng được phương pháp luận, cách đánh giá, kiểm đếm được quy định điều kiện kinh doanh, phương pháp tính chi phí tuân thủ, Cổng tham vấn.

Trong thời gian tới, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cần tiếp tục hoàn thiện những công cụ đã được dự án hỗ trợ. Ví dụ như liên quan đến kiểm đếm các quy định kinh doanh, tính toán các chi phí tuân thủ phải có điều tra, khảo sát.

Đồng thời, truyền thông tốt hơn để doanh nghiệp đồng hành, tham gia tích cực hơn vào Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Thông qua Cổng tham vấn, doanh nghiệp nói lên những vướng mắc và nhận lại phản hồi từ phía các bộ, ngành.

Tôi cho rằng, để làm được điều này, cần kết hợp nhiều phương thức khác nhau, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của người đứng đầu Chính phủ, có thể xây dựng một mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu, hiệp hội để đồng hành mới tạo ra sự cộng hưởng được.

Trân trọng cảm ơn ông.

Chu Thanh Vân (TTXVN)