Ảnh minh họa

Cuộc đời có rất nhiều lý lẽ của riêng nó, BS. Đào Cảnh Tuất lựa chọn được làm bác sĩ cứu người cũng là một cơ duyên.

Bác sĩ Đào Cảnh Tuất – Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc City xuất thân từ một người lính, ông đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Camphuchia ác liệt. Trở về từ chiến trường với một vết thương khá nặng, chàng trai trẻ xứ Nghệ đã mang một quyết tâm cao độ phải thi vào trường Đai học Y khoa để trở thành một bác sĩ với hy vọng sẽ giúp được nhiều người mạnh khỏe hơn.

Tại sao ước mơ đó lại cháy bỏng trong con người ông đến vậy? Ông nhớ lại, 18 tuổi chàng trai quê Đô Lương tạm biệt gia đình vào chiến trường Campuchia theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Trong chiến trường ác liệt, thương binh nhiều nhưng lực lượng quân y thiếu thốn nên ông được chọn đi học để làm nhân viên cứu thương và được đào tạo nhanh trong 3 tháng. Chiến trường lúc nào cũng khắc nghiệt, giữa sự sống và cái chết chỉ là lằn ranh rất mong manh, nhiều khi chứng kiến nhiều sự mất mát hy sinh của đồng đội một phần do điều kiện thuốc men, trang thiết bị y tế thiếu thốn, một phần do trình độ non kém của bản thân vì được đào tạo sơ sài và ngắn ngày nên không giúp được gì nhiều cho thương, bệnh binh. Chính vì sự trăn trở đó, ông càng quyết tâm hơn sau này xuất ngũ sẽ theo học ngành y và phải trở thành bác sĩ giỏi để cứu người.

Không may là tại chiến trường ông bị thương khá nặng và được đưa về Việt Nam nằm điều trị hơn 6 tháng tại Bệnh viện 175. Hơn lúc nào hết, ý nguyện được trở thành bác sĩ lại thôi thúc ông mạnh mẽ. Ông dành hết tâm trí, thời gian, nén đau để tự ôn thi vào Đại học Y khoa và ông đã chiến thắng bản thân bằng ý chí của một người lính. Cuối cùng ông cũng đậu vào trường Đại học Y Dược TP.HCM như ước nguyện.

Ảnh minh họa

Trải qua cuộc đời sinh viên của người lính Cụ Hồ cũng khác những học viên khác, bởi ông biết ông cần gì, muốn gì. Nên thời gian lúc này đối với ông là vô giá. Ông học ngày học đêm, ngoài thời gian trực ở bệnh viện, ông tranh thủ đi làm thêm, đi gia sư để có tiền trang trải với mục đích phải trở thành một bác sĩ giỏi.

Nhưng khi tốt nghiệp đi làm trong hệ thống bệnh viện công lập, từ Bệnh viện Chợ Rẫy, 115, Bưu Điện… BS. Đào Cảnh Tuất mới thấy nhiều bất cập của ngành y – những hành lang pháp lý đang “trói tay, trói chân” các bác sĩ, muốn cứu giúp được nhiều bệnh nhân cũng là điều không đơn giản.

Ảnh minh họa

Là một trong những cán bộ nguồn, được đào tạo để lên làm quản lý nhưng ông cho rằng, đó không phải là ước mơ, là ý nguyện của mình. Một ý nguyện của anh lính Cụ Hồ là không chỉ sống cho riêng mình mà phải biết nhân lên sự giúp đỡ người khác, chia sẻ khó khăn với mọi người. Một phần là dòng máu con người xứ Nghệ luôn chảy trong ông nên ông luôn tìm cách nào đó để giúp đỡ những người thân, những cảnh đời không may bị bệnh tật.

Nếu chỉ đi con đường bằng phẳng, mọi thứ đã được sắp xếp thì quá dễ, nhưng muốn tìm hướng đi cho chính mình để giúp được nhiều người mới thực sự khó khăn và thách thức. Nhưng với bản chất và ý chí của một người lính Cụ Hồ, ông luôn tin tưởng rằng sự bứt phá của bản thân chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, bởi ông nghĩ đằng sau mỹ từ “cứu giúp” người nó phải thật sự là sự cứu giúp, phải mang lại giá trị gì đó cao hơn cho cộng đồng. “Nếu làm bác sĩ giỏi, yên phận với vai trò là một bác sĩ điều trị thì tôi chỉ giúp cùng lắm khám được 50 – 60 bệnh nhân/ngày. Nhưng nếu xây dựng một hệ thống bệnh viện tư thì mình có thể cứu hàng triệu người. Vừa giúp được nhiều bệnh nhân vừa tạo được công ăn việc làm cho nhiều người”, ông tâm tư chia sẻ.

Nghĩ là làm, năm 1998 ông quyết định chọn Bình Dương là thị trường khai phá đầu tiên để xây dựng cơ nghiệp. Thị trường này sát TP.HCM, lại là một tỉnh vừa tách ra từ tỉnh Sông Bé, có chính sách cởi mở để thu hút vốn FDI, thu hút nhân tài và thu hút người lao động.

Ảnh minh họa

Là địa phương có rất nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, lực lượng công nhân đông nhưng hạ tầng y tế thì lại phát triển rất chậm chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của cộng đồng. Cả tỉnh bấy giờ cũng chỉ có 1 bệnh viện tuyến tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện. Bệnh nhân khi có nhu cầu đều đi lên TP.HCM để điều trị, vừa tạo áp lực cho TP.HCM, vừa để trống thị phần to lớn không ai khai phá.

Một phần do các chính sách pháp luật không đề cập y tế tư nhân, một phần do lo sợ rủi ro khi bỏ việc Nhà nước ra làm tư nên không ai dám mạnh dạn bung ra đầu tư bệnh viện tư nhân trong khi Luật khám chữa bệnh chưa ra đời (Luật khám chữa bệnh được ban hành vào cuối năn 2009 ).

Nhìn thấy một thị trường tiềm năng tại Bình Dương, nên BS. Đào Cảnh Tuất quyết tâm chọn Bình Dương làm điểm đầu tiên để khởi nghiệp vì đánh giá đây là một thị trường tiềm năng, rộng lớn chưa người khai phá và ông muốn thử sức, dù biết là rất khó khăn vì phải động đến những tư duy cũ, những chính sách thủ cựu của ngành Y.

Ông chọn địa điểm đầu tiên mở Phòng khám đa khoa tại huyện Dĩ An với tên gọi Phòng khám đa khoa An Bình và rất may mắn khi ý tưởng, sự tâm huyết phát triển hệ thống y tế tư nhân tại Bình Dương của ông được các lãnh đạo Bình Dương thời đó “xé rào” và cấp cho phòng khám của ông giấy phép hành nghề “Phòng khám đa khoa”. Đây cũng là một trong những phòng khám khám tư nhân đầu tiên trên cả nước được cấp phép.

Ảnh minh họa

Đó là những bước đi quan trọng đầu tiên trong hành trình chinh phục một thị trường đang bị nhà nước bỏ ngỏ.

Ông nhớ lại những năm 2000 việc khám chữa bệnh BHYT chỉ có các đơn vị nhà nước mới nhận chi trả BHYT. Ở các thành phố lớn thì không sao chứ về các địa phương, nhất là một tỉnh như Bình Dương bệnh viện công ít, mà lực lượng công nhân lao động vừa đông, vừa phải làm việc theo ca kíp nếu họ có bệnh họ cũng khó theo khám được bảo hiểm vì thời gian làm việc. Do vậy họ không tận dụng được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi tham gia bảo hiểm.

Do đó, BS Đào Cảnh Tuất lại một lần nữa đi thuyết phục lãnh đạo Sở Y tế, BHXH và UBND tỉnh Bình Dương để xin được khám BHYT cho người dân, đặc biệt là đội ngũ công nhân trong các khu công công nghiệp. Bình Dương luôn trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư, thu hút nhiều lao động nhưng thực sự nghành y tế công lập vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, đó là sự trăn trở của lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Nếu tỉnh chăm lo an sinh, sức khỏe cho người lao động bằng cách tháo gỡ cho các cơ sở y tế tư nhân cùng tham gia khám BHYT thì người lao động họ sẽ có cơ hội đi khám bên ngoài do thời gian khám linh hoạt, tận dụng được việc mua thẻ bảo hiểm, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa tự chăm lo được sức khỏe của mình.

Năm 2000, Bình Dương lại là tỉnh đầu tiên “vượt rào” cho y tế tư nhân được tham gia khám BHYT. Nắm bắt cơ hội này, ông đã cho triển khai khám BHYT trong giờ cũng như ngoài giờ để phục vụ người lao động (Y tế công lập chỉ khám BHYT trong giờ hành chính). Với chính sách nhất quán của lãnh đạo tỉnh, không phân biệt công tư đã tạo điều kiện cho hệ thống y tế tư nhân phát triển, góp phần cùng với y tế công lập nâng cao công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Ông tâm sự: “Nhờ lãnh đạo Bình Dương thời bấy giờ năng động và chịu lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp cũng như có tinh thần cởi mở nên chúng tôi đã may mắn có được thành công”.

Cứ thế với phân khúc bình dân, hướng đến người lao động, BS Đào Cảnh Tuất lần lượt mở ra các bệnh viện. Năm 2006 xây Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước tại Bến Cát, năm 2011 xây Bệnh viện Vạn Phúc 1 tại TP.Thủ Dầu Một và năm 2013 xây Bệnh viện Vạn Phúc 2 tại Thị xã Thuận An.

Ảnh minh họa

Khi Bệnh viện Mỹ Phước đi vào hoạt động, việc thanh quyết toán phí BHYT có nhiều bất cập, gây tranh cãi giữa đội ngũ chuyên môn của bệnh viện và đoàn thẩm định của BHXH tỉnh. Sau nhiều lần mâu thuẫn giữa các bác sĩ với đoàn thẩm định, ông đã trăn trở để tìm ra một cách thức mới trong thanh quyết toán chi phí quỹ BHYT. Ông lại mạnh dạn đề xuất với BHYT tỉnh Bình Dương xin được khoán quỹ BHYT theo đầu thẻ BHYT đăng ký tại bệnh viện dưới hình thức khoán lời ăn lỗ chịu. May mắn thay, ý tưởng táo bạo của ông được lãnh đạo BHYT Bình Dương chấp thuận. Ông và BHXH tỉnh cùng phối hợp làm đề án khoán quĩ để gửi ra BHXH VN xin ý kiến. Rất may ý tưởng này phù hợp ý tưởng của lãnh đạo BHXH VN (mặc dù những điều khoản này chưa có trong Luật BHYT) nhưng phù hợp với chính sách thanh toán chi phí BHYT nên đã được BHXH chấp thuận giao cho Bệnh viện Mỹ Phước làm thí điểm khoán quĩ đầu tiên trong cả nước.

Đã đâm lao phải theo lao, tuy ông lo lắng nếu không làm tốt thua lỗ thì lấy đâu ra chi phí để trang trải, trả lương cho CBCNV nhưng ông vẫn luôn động viên nhân viên hãy làm việc hết mình, tiết kiệm các chi phí không đáng có… Lấy người bệnh làm trung tâm, làm sao cho quyền lợi người tham gia BHYT được bảo đảm, người lao động có thêm thu nhập… Sau một năm làm thí điểm khoán quỹ bệnh viện, ông được người bệnh tin tưởng, BHXH VN đánh giá cao. Sau đó Bộ Y tế cho triển khai khám BHYT theo hình thức khoán quĩ trên toàn quốc vào năm 2009.

Ảnh minh họa

Đứng trước thực trạng của nghành Y tế hiện nay, ông có nhiều suy tư trăn trở, làm sao cho người bệnh khi đến khám chữa bệnh họ được tôn trọng và hài lòng. Có nhiều lần ông mạnh dạn chia sẻ ý tưởng phối hợp công tư, theo ông khi luật pháp chưa hoàn thiện nếu các cơ sở y tế công lập sở dụng nguồn quĩ của Nhà nước có rất nhiều rủi ro thì tại sao không phối hợp công tư?

Phối hợp công tư theo ý ông không phải là kêu gọi tư nhân xây dựng bệnh viện trên đất của bệnh viện công, không phải là để tư nhân đầu tư máy móc vào bệnh viện công lập để rồi ăn chia với nhau. Phối hợp công tư là tận dụng khả năng, năng lực tài chính của tư nhân để xây dựng bệnh viện, đầu tư trang thiết bị, xây dựng quy trình qui chế quản lý hoàn chỉnh rồi mới phối hợp với các bệnh viện công lập có nguồn bệnh quá tải để hợp tác.

Ảnh minh họa

Phối hợp công tư ở đây là điều hành bệnh viện theo điều lệ công ty cổ phần chứ không để tình trạng cha chung không ai khóc như bệnh viện công lập. Bệnh viện công không góp vốn bằng tiền mặt mà góp vốn bằng thương hiệu, hỗ trợ nguồn nhân lực, điều tiết bệnh nhân từ chỗ quá tải sang bệnh viện tư, có như thế người bệnh mới được tôn trọng, được lựa chọn dịch vụ y tế

Điều mà ông trăn trở nữa là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành sức khỏe, ông cho biết, trong những thập niên từ 90 trở về trước chất lượng đào tạo một bác sĩ khi ra trường có thể một mình đứng mổ, cấp cứu… BS. Đào Cảnh Tuất chia sẻ: Ngày ông đi học tại Đại học Y Dược Tp HCM đến năm thứ 5, thứ 6 là đã biết làm hồ sơ bệnh án, cho thuốc giúp cho bác sĩ điều trị, tham gia các cuộc mổ… còn bây giờ sinh viên đi học không có môi trường thực tập, không được khám trên bệnh nhân… nên khi ra trường không làm được việc, phải cho đi đào tạo lại.

Ảnh minh họa

Để tháo gỡ vấn đề nan giải này, ông đề nghị Nhà nước chỉ nên làm những gì tư nhân không làm, nên có chính sách tạo quỹ đất và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân chịu bỏ tiền ra để xây dựng bệnh viện, có chính sách giảm thuế, không đấu thầu những khu đất được qui hoạch là đất y tế…

Hiện nay, trên thế giới chủ yếu là bệnh viện tư, y tế công lập chỉ được Nhà nước đầu tư trong một số lĩnh vực như: y tế dự phòng, nhiên cứu khoa học, y tế cơ sở, vùng sau vùng xa… Với kinh phí đầu tư cho y tế ở nước ta so với các nước trong khu vực không thấp nhưng vẫn không đáp ứng được đời sống CBCNV và tái đầu tư cho các bệnh viện vì nguồn kinh phí bị trang trải quá nhiều cho hệ thống y tế công lập là không cần thiết

Dịch vụ uy tín, không ai bị bỏ lại phía sau, kể cả những bệnh nhân nghèo nên uy tín chuỗi hệ thống Bệnh viện Vạn Phúc và Mỹ Phước ngày càng được bệnh nhân tin tưởng và lựa chọn. Đó cũng là nền tảng giúp cho các bệnh viện này ngày càng phát triển.

Sau này đứng trước lớp doanh nhân trẻ, ông thường truyền đạt kinh nghiệm cho họ: Chỉ cần kinh doanh bằng chữ tâm, chữ tín là có thể giữ chân khách hàng. Và khách hàng mới ở lại lâu dài với mình được. Đó không chỉ là kinh nghiệm đúc kết sau một hành trình dài làm doanh nghiệp mà là một phần bản chất, ý chí của các doanh nhân trong lĩnh vực y tế.

Ảnh minh họa