Phát biểu tại Hội thảo công bố Báo cáo “Kiên cường vượt sóng: Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch COVID-19” (Báo cáo), chiều 14/11, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) cho biết, theo kết quả nghiên cứu trong Báo cáo của Ban Pháp chế, VCCI, COVID-19 làm nền kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng trầm trọng.
Thiệt hại kinh tế do COVID-19 gây ra cho nền kinh tế Việt Nam trong 2 năm 2020 và 2021 ước tính lên tới 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD. Đa số doanh nghiệp do phụ nữ (DNN) hoạt động trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch. Tác động tới các DNN ở tất cả các ngành, theo quy mô lao động, quy mô vốn đều rất tiêu cực. Doanh thu sụt giảm; tỷ lệ DNN bị giảm doanh thu cao hơn tỷ lệ DN nghiệp do nam giới làm chủ bị giảm doanh thu. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ DNN (6%) là có doanh thu tăng, trong đó, một tỷ lệ rất lớn (xấp xỉ 90%) các DN phải cho người lao động nghỉ việc.
16,9% doanh DNN có kế hoạch giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa, tỷ lệ cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Hơn 50% DNN muốn giữ nguyên, cố gắng duy trì kinh doanh với quy mô hiện tại.
Chỉ rõ những bất cập trong các chính sách hỗ trợ DN vượt qua khủng hoảng COVID-19, Báo cáo cho rằng, các chính sách đa số được thiết kế và thực thi theo hướng bình quân hóa giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô, mà ít tính đến mức độ ảnh hưởng và khả năng chống chịu. Nguồn lực còn khiêm tốn nhưng số lượng đối tượng được hỗ trợ quá nhiều, nên lợi ích từ chính sách bị dàn trải.
Cùng với đó, nhiều chính sách hỗ trợ có quy trình xét duyệt còn phức tạp, các điều kiện để được hưởng chính sách chưa rõ ràng, thời gian xử lý lâu do bị ảnh hưởng bởi các quy định giãn cách xã hội. “Các chính sách hỗ trợ DN vượt qua đại dịch COVID-19 kể trên đều trung tính về giới mà không dựa trên đánh giá tác động giới và lồng ghép giới. Bốn khó khăn lớn nhất mà DNN đang phải đối mặt là: Tìm kiếm khách hàng (64,3%); tiếp cận vốn tín dụng (34,1%); biến động thị trường (33,7%); tìm kiếm nhân sự phù hợp (27%)”, Báo cáo cho biết.
Để tăng cường hỗ trợ DNN phục hồi trong trạng thái bình thường mới, Báo cáo khuyến nghị: Cần ưu tiên hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng cho DNN trong chương trình hỗ trợ DN ở tất cả các địa phương. Chính phủ cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ tài khóa với quy mô đủ lớn nhằm đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Đồng thời, xem xét các chính sách hỗ trợ tài khóa cụ thể; tập trung cải thiện hiệu quả của công tác tuyên truyền và thực thi đối với các gói chính sách hỗ trợ đã ban hành; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Chính quyền các cấp thúc đẩy, hiệp hội kết nối và các DNN chủ động tăng cường chuỗi cung ứng nội địa, tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường trong nước. Kịp thời cung cấp thông tin thị trường để DN chủ động hơn trong kiểm soát, giảm thiểu rủi ro của biến động thị trường.
Các hiệp hội, tổ chức đại diện DN cần chia sẻ thông tin, tăng cường phối hợp với nhau, tăng cường liên kết giữa các DN hội viên. Hoàn thiện chính sách và pháp luật để thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp và phát triển DNN.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) cho rằng, thời gian qua đã có nhiều chương trình hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, trong nước cho DN. Chính phủ cũng có gói hỗ trợ lớn cho DN, trong đó, có DNN.
Vấn đề là làm sao DNN có thể tiếp cận được sự hỗ trợ mong muốn là một câu hỏi cần lời giải đáp. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện cả hai phía cơ quan triển khai gói hỗ trợ và phía DNN đều chưa đủ chủ động để tìm kiếm thông tin.
“DNN hãy tích cực hơn nữa, chủ động hơn trước khi kiến nghị với các tổ chức hiệp hội, VCCI cũng như kiến nghị với cơ quan Chính phủ. DNN hãy chủ động để tự cứu mình trước. Chỉ khi chúng ra chủ động, chúng ta sẽ có cách để đưa giải pháp vượt qua khó khăn”, bà Minh nói.
Cũng theo Chủ tịch VWEC, hiện nay có khoảng 650 hiệp hội nhưng hiệp hội có thực sự hỗ trợ được cho hội viên hay không lại là điều cần bàn.
“Rất mong VCCI xây dựng kiến nghị để có hành lang pháp lý cho các hội hoạt động, hoạt động đúng tính chất của hiệp hội, để hiệp hội phát triển về tổ chức, có chương trình hỗ trợ hội viên thực sự. Hội phải có chiến lược hoạt động và phát triển. Không nên làm theo phong trào”, bà Minh nhấn mạnh.
H.Anh