Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tích cực tham gia vào tiến trình thực hiện phát triển bền vững thông qua việc xây dựng, thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững cũng như Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí mê-tan, Chương trình hành động về giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan ngành GTVT...
"Việt Nam coi phát triển GTVT bền vững với môi trường là ưu tiên tập trung. Theo đó, đẩy mạnh tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt thân thiện với môi trường. Chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics”, Bộ trưởng Thắng nêu.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam xác định chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Ông cho biết, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các chương trình, công ước của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) với mục tiêu chung tay thực hiện giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông Thắng cho biết thêm, Việt Nam mong muốn các nước cùng chia sẻ kinh nghiệm tốt, ý tưởng mới về giao thông thông minh, giao thông xanh, về công nghệ carbon thấp. Cùng đó, thúc đẩy tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ, mở nhiều cơ hội hợp tác; tạo điều kiện cho các nước cùng tham gia, nghiên cứu, vận dụng, hợp tác, hướng tới phát triển hệ thống GTVT bền vững.
P.V (t/h)