Tại lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam diễn ra vào chiều tối ngày 9/10, TS. Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch VINASME, cho biết, với tiềm năng phát triển vượt bậc của tỉnh Vĩnh Phúc, trong 9 tháng đầu năm 2024, GRDP của tỉnh ước đạt 7,95%, đứng thứ 20/63 cả nước, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 13,05 tỷ USD, tăng 26,37% so với cùng kỳ, và thu hút 507,94 triệu USD vốn FDI, xếp thứ 11 toàn quốc.
Theo Chủ tịch VINASME, tỉnh Vĩnh Phúc được biết đến với "năm tài nguyên" gồm nước, đất, rừng, khoáng sản và du lịch, đã phát triển đồng đều trên ba lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Các khu kinh tế trong tỉnh đang nhanh chóng lấp đầy bởi những nhà máy sản xuất, khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế và là trung tâm công nghiệp, dịch vụ của khu vực phía Bắc.
TS. Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. (Ảnh: Phan Chính). |
“Từ góc nhìn của tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước, tôi rất ngưỡng mộ sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay cùng tầm nhìn chiến lược trong 25 năm tới. Trung ương đã khẳng định vị trí quan trọng của Vĩnh Phúc trong việc thúc đẩy kinh tế vùng, đồng thời là địa phương chiến lược về chính trị, quân sự và ngoại giao. Với những định hướng rõ ràng, tôi tin rằng cộng đồng doanh nghiệp và người dân Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục nhận được sức mạnh, niềm tin vững chắc, và động lực để phát triển bền vững, cùng với nhịp độ tăng trưởng của đất nước”,TS. Nguyễn Văn Thân chia sẻ.
TS. Nguyễn Văn Thân khẳng định, thành tựu hiện tại của Vĩnh Phúc có phần đóng góp không nhỏ từ Hiệp hội Doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành và Ban thường vụ, cùng với sự hỗ trợ hiệu quả từ chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã khơi dậy nhiều phong trào thi đua yêu nước, tạo sự đoàn kết trong phát triển hệ thống hội viên, và thiết lập các liên kết hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, thực hiện tốt các chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước.
“Tôi rất vui khi biết rằng trong 9 tháng đầu năm, tỉnh đã có thêm 1.381 doanh nghiệp mới thành lập hoặc tái hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên khoảng 14.000”, ông Thân cho biết.
Ông Thân nhấn mạnh, Hiệp hội Doanh nghiệp đã xuất sắc thực hiện vai trò của mình như một tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi và tiếng nói chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp. Hiệp hội tích cực tham gia vào cải cách thủ tục hành chính, xây dựng pháp luật và chuyển đổi số, nhằm nâng cao môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác và giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
TS. Nguyễn Văn Thân khẳng định, trong những năm qua Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc phát triển mạnh mẽ và toàn diện. (Ảnh: Phan Chính). |
TS. Nguyễn Văn Thân cho biết thêm, trong suốt 20 năm qua, dù có không ít thách thức, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Hiệp hội không ngừng khẳng định vị thế của các doanh nghiệp tỉnh trên cả bình diện quốc gia và quốc tế. Các hội viên đều là những doanh nghiệp tiêu biểu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời trở thành cầu nối vững chắc giữa các cơ quan nhà nước và người lao động.
Chủ tịch VINASME khẳng định, mặc dù trước mắt vẫn còn những khó khăn và thách thức liên quan đến nguồn lực, hội nhập, thiên tai và dịch bệnh, nhưng tôi hy vọng rằng các đồng chí sẽ tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để xứng đáng với niềm tin mà chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã giao phó. Nhân dịp này, tôi xin gửi gắm một số ý kiến quan trọng như sau:
Trước hết, trong bối cảnh nước ta đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức (đặc biệt là vị thế chính trị ngày càng vững chắc trên trường quốc tế và quyết tâm của trung ương trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cùng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn 2045), Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các hội viên cần tăng cường sự phối hợp, đoàn kết và sáng tạo. Hãy tận dụng tối đa những lợi thế sẵn có, phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương, đồng thời hợp tác chặt chẽ với chính quyền, người dân và doanh nghiệp của các tỉnh lân cận để cùng nhau thực hiện những mục tiêu và quy hoạch mà tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra.
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân 13/10 do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức chiều ngày 9/10. (Ảnh: Phan Chính). |
Thứ hai, từ góc độ Hiệp hội, tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội. Cần thiết phải đưa ra nhiều nội dung và phương thức tổ chức sáng tạo, đổi mới để khắc phục những khó khăn trong bối cảnh hoạt động đặc thù của Hiệp hội, từ đó “chạy đua nước rút” nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra.
Hiệp hội đã thực hiện xuất sắc vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi và tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta cần tích cực tham gia vào công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng pháp luật và chuyển đổi số để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác và giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, cần phát huy tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, để ngày càng khẳng định vị thế là tổ chức đại diện thực sự, nơi tập hợp, lan tỏa và nuôi dưỡng sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ ba, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, hoạt động của Hiệp hội nên tập trung vào những mục tiêu ưu tiên, mang lại hiệu quả rõ nét và thiết thực cho hội viên, từ đó gia tăng số lượng doanh nghiệp tham gia vào Hiệp hội. Chúng ta cần tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, không chỉ trong công tác hỗ trợ mà còn trong việc nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng cho đội ngũ doanh nghiệp, giúp họ hiểu sâu sắc hơn về vinh dự và trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc và nhân dân. Đồng thời, Hiệp hội cần trở thành đầu mối liên kết để triển khai cạnh tranh quốc tế. Dù doanh nghiệp tỉnh đã xuất khẩu tới 40 quốc gia nhưng còn nhiều dư địa phát triển. Vì vậy, Hiệp hội cần có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp hội viên mở rộng thị trường.
Cuối cùng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và là chìa khóa giúp doanh nghiệp cải thiện mô hình sản xuất - kinh doanh, nâng cao hiệu quả công việc và giảm thiểu chi phí. Chúng ta cần tiếp cận nhanh chóng các thành tựu khoa học công nghệ để nâng cao lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang diễn ra nhiều biến động.