Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân Việt Nam đã đóng góp to lớn vào sự phát triển đất nước, dù vẫn còn nhiều thách thức. Theo Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ, khu vực kinh tế tư nhân chiếm hơn 50% GDP, đóng góp 30% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo ra hơn 40 triệu việc làm – tương đương hơn 82% lực lượng lao động trong nền kinh tế. Đáng chú ý, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.
Tại TP. Huế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% trong tổng số hơn 6.200 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp khoảng 9.000 tỷ đồng cho ngân sách địa phương trong năm 2024 – chiếm tới 70% tổng thu. Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ ở cấp quốc gia mà cả trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), trong bối cảnh áp lực hội nhập ngày càng lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản, từ năng suất lao động còn thấp đến khả năng tiếp cận vốn hạn chế. Đặc biệt, quá trình chuyển đổi số diễn ra chậm, với khoảng 65% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có chiến lược số hóa – một điểm yếu lớn trong kỷ nguyên kinh tế số và cạnh tranh toàn cầu.
Vì vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp mới, ông Thân cho rằng cần một "hệ thống giải pháp đủ mạnh" để dẫn dắt và tiếp sức cho lực lượng doanh nghiệp kế cận, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam |
Một trong những đề xuất đáng chú ý từ ông Nguyễn Văn Thân là Nhà nước cần có quy định rõ ràng yêu cầu các doanh nghiệp lớn – trong và ngoài nước – khi tham gia các dự án trọng điểm quốc gia như đường sắt, đường cao tốc hay cảng hàng không phải dành tối thiểu 30% giá trị đơn hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Đây không chỉ là biện pháp hỗ trợ mà còn tạo động lực lan tỏa, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, ông Thân nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng chính sách ưu đãi dựa trên tỷ lệ nội địa hóa, với mức tối thiểu 30%, kèm theo lộ trình tăng ưu đãi tương ứng với tỷ lệ nội địa hóa cao hơn. Điều này vừa giúp nâng cao năng lực sản xuất trong nước, vừa phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay với doanh nghiệp nhỏ và vừa là khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng. Theo ông Thân, Nhà nước cần có giải pháp mạnh mẽ hơn trong cải cách thủ tục, mở rộng các kênh vốn và hỗ trợ lãi suất một cách thực chất.
Song song đó, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, số hóa toàn bộ quy trình cấp phép cũng cần được triển khai đồng bộ. Ông Thân cũng kêu gọi thành lập các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương – nơi cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý, kế toán, thuế và hỗ trợ tham gia đấu thầu các dự án công.
Cuối cùng, ông Thân nhấn mạnh việc kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp FDI, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đào tạo lại lao động và tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam từng bước vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Không chỉ dừng lại ở tầm nhìn chính sách, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần một hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp thực sự hiệu quả, đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Với những giải pháp chiến lược và hỗ trợ thiết thực, khu vực kinh tế tư nhân – đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoàn toàn có thể bứt phá, đóng vai trò dẫn dắt trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và xa hơn nữa.