Bộ Tài chính lên kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023

15:10 04/02/2023

Để triển khai kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 của Bộ Tài chính, các đơn vị thuộc bộ sẽ phối hợp giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin về pháp luật tài chính chính xác, kịp thời, đầy đủ, tránh lúng túng trong thực thi...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 41/QĐ-BTC về kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Tài chính năm 2023.

GIÚP DOANH NGHIỆP TIẾP CẬN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT TÀI CHÍNH 

Theo bộ này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý trong khi hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật ở một số nơi chưa cao. Điều này dẫn đến doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ thường lúng túng trong quá trình thực thi, áp dụng các quy quy định pháp luật.

Nhằm khắc phục cơ bản tình trạng trên, Bộ Tài chính nêu rõ việc ban hành kế hoạch nhằm mục đích hỗ trợ cho các doanh nghiệp được tiếp cận thông tin pháp luật, các quy định của pháp luật tài chính chính xác, kịp thời, đầy đủ và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, 

Việc ban hành kế hoạch hỗ trợ cần đảm bảo đúng nội dung, hình thức và phương pháp theo quy định của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 26/4/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó, lồng ghép, kết hợp hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho người nộp thuế, người khai hải quan và các hoạt động quản lý nhà nước khác theo chức năng.

"Tăng cường phối hợp giữa cơ quan nhà nước, giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp", Quyết định số 41 nêu rõ.

Theo quyết định này, trong năm 2023, Bộ Tài chính thực hiện hỗ trợ pháp lý, lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo văn bản đối với các nhóm văn bản pháp luật gồm: nhóm văn bản về thuế; nhóm văn bản về chứng khoán; nhóm văn bản về kinh doanh bảo hiểm; tài chính doanh nghiệp và tài chính ngân hàng.

Các hình thức truyền thông, tuyên truyền, phổ biến gồm: tổ chức hội nghị phổ biến, tập huấn kiến thức pháp luật; tổ chức tọa đàm, đối thoại, bồi dưỡng kiến thức tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng, biên soạn cấp phát ấn phẩm, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp... phổ biến, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền thông qua các nền tảng kỹ thuật số như website, zalo, facebook...

Cụ thể, với nhóm văn bản về thuế, Bộ Tài chính thực hiện việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với: Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Cùng với đó là Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định của Chính phủ ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định thương mại tự do; dự thảo thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp...

ĐỐI THOẠI ĐỂ THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Để triển khai Quyết định số 41, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế, Vụ chính sách thuế, Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan xác định đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian và địa điểm tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phù hợp đối với văn bản do đơn vị chủ trì soạn thảo.

Đối với nhóm văn bản về chứng khoán, Quyết định số 41 nêu rõ thực hiện việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành. 

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan xác định đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian và địa điểm tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phù hợp đối với văn bản do đơn vị chủ trì soạn thảo.

Đối với nhóm văn bản về kinh doanh bảo hiểm, thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan xác định đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian và địa điểm tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phù hợp đối với văn bản do đơn vị chủ trì soạn thảo.

Đối với các văn bản về tài chính doanh nghiệp, thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với Thông tư hướng dẫn Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cục Tài chính doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan xác định đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian và địa điểm tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phù hợp đối với văn bản do đơn vị chủ trì soạn thảo.

Bên cạnh đó, đối với các văn bản về tài chính ngân hàng, thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với Nghị định thay thế Nghị định số 30/2007/NĐ-CP ngày 01/3/2007 và Nghị định số 78/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ về kinh doanh xổ số.

Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan xác định đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian và địa điểm tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phù hợp đối với văn bản do đơn vị chủ trì soạn thảo.

Về tiếp nhận kiến nghị, phản ánh và giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa), Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Vụ Pháp chế, Vụ chính sách thuế và các đơn vị có liên quan tiếp nhận kiến nghị, câu hỏi của doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa) liên quan đến các quy định thuế, hải quan, chứng khoán, trên cơ sở đó tổ chức các hội nghị đối thoại doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, giải đáp vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật đồng thời giải đáp trực tiếp trên cổng thông tin điện tử.

Bên cạnh đó các đơn vị khác thuộc bộ tiếp nhận các vướng mắc, kiến nghị và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp thông qua các hình thức: giải đáp bằng văn bản; giải đáp thông qua mạng điện tử; giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Theo Economy