Bộ Công Thương cho ý kiến về tạo lập môi trường phát triển TMĐT cạnh tranh, bền vững

11:07 17/10/2023

Bộ Công Thương nhấn mạnh rằng việc thiết lập các điều kiện kinh doanh là cần thiết để tạo ra một khuôn khổ pháp lý rõ ràng và minh bạch, đồng thời bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Ngày 16/10/2023, Bộ Công Thương đã phát đi Công văn số 7203/BCT-KHTC, trong đó góp ý về dự thảo báo cáo rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh cũng như dự thảo Nghị quyết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh năm 2024 và các năm tiếp theo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về nội dung về hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), theo Bộ Công Thương, do hoạt động TMĐT là hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ, bao gồm các mô hình hoạt động ngày càng đa dạng, phức tạp với nhiều thủ đoạn, hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi. Theo đó, việc quy định các điều kiện kinh doanh trong hoạt động TMĐT là cần thiết nhằm tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động TMĐT, góp phần tạo lập môi trường phát triển TMĐT cạnh tranh và bền vững, đồng thời bảo vệ tối đa lợi ích của người tiêu dùng;

Bộ Công Thương cho ý kiến về tạo lập môi trường phát triển TMĐT cạnh tranh, bền vững
Bộ Công Thương cho ý kiến về tạo lập môi trường phát triển TMĐT cạnh tranh, bền vững.

Tuy nhiên, việc tiếp tục thu hẹp phạm vi điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT được cho là không khả thi trong quá trình chuyển đổi số của lĩnh vực thương mại, cũng như chưa được đánh giá cụ thể trong dự thảo báo cáo.

Về lĩnh vực kinh doanh rượu, Bộ Công Thương đã bày tỏ rằng khung pháp lý hiện tại đã đáp ứng đủ vai trò quản lý của nhà nước cũng như hỗ trợ sự đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ý kiến từ Bộ Công Thương cũng đề cập đến việc cần nghiên cứu và sửa đổi các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh rượu để tăng cường quản lý chặt chẽ hơn, nhằm giảm thiểu tác hại của rượu đối với cộng đồng, đặc biệt là với những đối tượng nhạy cảm như trẻ em, học sinh, sinh viên và phụ nữ mang thai.

Về kinh doanh khí, Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 85/NĐ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh khí, và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 11 năm 2023. Trong quá trình này, Bộ Công Thương cũng sẽ nghiên cứu để thu hẹp phạm vi về điều kiện kinh doanh khí.

Liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan có liên quan để sửa đổi Nghị định số 95/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, trong đó có việc bãi bỏ loại hình thương nhân là Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.

PV (t/h)