Theo Sở Công Thương TP.HCM, thời gian qua, hoạt động TMĐT phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Bên cạnh những mặt tích cực; công tác quản lý chất lượng, ngăn chặn hàng giả, hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an ninh mạng, dữ liệu cá nhân… trở nên phức tạp hơn khi có sự tham gia của nhiều nhà cung cấp, nhất là nhà cung cấp từ nước ngoài.
Trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, xuất hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trên các nền tảng TMĐT; điển hình là quảng cáo, khuyến mại vượt quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ; diễn ra phổ biến trên các sàn TMĐT xuyên biên giới, mạng xã hội trong thời gian gần đây; gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Trong khoản 1 Điều 7 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến Thương mại “Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại”.
Một trong những sàn TMĐT vi phạm quy định của pháp luật (Ảnh do Sở Công Thương TP.HCM cung cấp). |
Do đó, Sở Công Thương TP.HCM đề xuất một số giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo tính cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước: Quyết liệt ngăn chặn hiển thị quảng cáo, khuyến mại vi phạm quy định trên các website, nền tảng TMĐT, mạng xã hội…; áp dụng biện pháp chế tài nghiêm khắc (ngăn chặn, tạm ngưng hoặc đình chỉ hoạt động tên miền, ứng dụng tại Việt Nam) đối với các website, nền tảng TMĐT, mạng xã hội… vi phạm nhiều lần.
Rà soát quy định pháp luật về TMĐT hiện hành; kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ quy định của các sàn TMĐT xuyên biên giới quốc tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trong nước. Theo quy định hiện hành, trách nhiệm của thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam là (i) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn các giao dịch hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam; (ii) Thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam; (iii) Thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy định ; chưa quy định rõ các nghĩa vụ khác (như các thương nhân, tổ chức đăng ký hoạt động TMĐT trong nước) và chưa quy định cụ thể các biện pháp chế tài xử lý vi phạm.
Nghiên cứu, sớm ban hành các quy định cụ thể hơn về thuế quan, thủ tục hải quan và kiểm soát hàng hóa trong TMĐT xuyên biên giới để có cơ sở pháp lý quản lý, điều chỉnh hiệu quả các hoạt động này, nhất là một số nội dung còn bỏ ngỏ hoặc chưa có cơ sở để can thiệp.
Hoàn thiện quy định và chính sách thuế, đảm bảo các nền tảng TMĐT nước ngoài có cơ chế nộp thuế đầy đủ khi kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời kiểm soát chặt chẽ, thu thuế công bằng đối với sản phẩm nước ngoài bán tại Việt Nam thông qua TMĐT xuyên biên giới.
Siết chặt quy định về quảng cáo trên các nền tảng TMĐT, phòng ngừa thông tin sai lệch, lừa đảo hoặc các kinh doanh sản phẩm kém chất lượng, không đúng mô tả.
Hoàn thiện quy định liên quan đến việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng trong các chiến dịch quảng cáo; ngăn chặn vi phạm quyền riêng tư của người dùng Việt Nam.
Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Công Thương có giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia TMĐT, kết nối với các đối tác quốc tế, tham gia các hội chợ TMĐT, triển lãm trực tuyến toàn cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới…