Theo dự thảo mới, ngoài các nội dung hậu kiểm truyền thống như đối chiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn, truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu kiểm nghiệm, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra cả tính nhất quán của thông tin sản phẩm giữa sàn thương mại điện tử và thực tế lưu thông.
Cụ thể, cơ quan chức năng không chỉ dừng lại ở việc xem giấy tờ, mẫu kiểm nghiệm mà còn trực tiếp so sánh nội dung quảng cáo, nhãn mác, hình ảnh trên các nền tảng bán hàng trực tuyến với sản phẩm thực tế. Đây là điểm hoàn toàn mới so với Nghị định 15 hiện hành, vốn chưa đề cập rõ cơ chế kiểm tra chéo thông tin trên sàn thương mại điện tử.
![]() |
Bộ Y tế đề xuất siết chặt hậu kiểm thực phẩm trên sàn thương mại điện tử |
Thực tế đã ghi nhận không ít vụ việc thực phẩm đăng bán online bị "thổi phồng" công dụng, quảng cáo sai sự thật hoặc sản phẩm thực tế khác xa mô tả. Do đó, dự thảo quy định đối với thực phẩm kinh doanh trên thương mại điện tử, ngoài kiểm tra tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc và an toàn, cơ quan hậu kiểm bắt buộc tiến hành so sánh tính thống nhất của các thông tin đăng tải trên website, sàn thương mại điện tử với sản phẩm thật.
Trong quá trình hậu kiểm, nếu phát hiện nghi vấn về chất lượng hoặc an toàn, cơ quan chức năng vẫn tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm như quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng bổ sung, sửa đổi nhiều biểu mẫu quản lý nhằm tạo thuận lợi cho việc giám sát, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu hậu kiểm, đồng thời phối hợp liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia để đảm bảo minh bạch thông tin từ Trung ương đến địa phương.
Để tăng tính răn đe, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quyền thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm. Đồng thời, cơ quan quản lý có thể gỡ bỏ thông tin sai lệch trên các nền tảng thông tin điện tử của mình.
Nếu doanh nghiệp vi phạm nhưng chưa khắc phục, cơ quan có thẩm quyền sẽ tạm dừng tiếp nhận các thủ tục hành chính liên quan cho đến khi xử lý xong. Đây được xem là bước đi quyết liệt để siết lại kỷ cương, đảm bảo doanh nghiệp nghiêm túc tuân thủ pháp luật.
Dự thảo cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bổ sung, thực phẩm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế như GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương.