![]() |
Bị cưỡng chế 4,2 tỷ tiền thuế, Vietfracht HoChiMinh kinh doanh ra sao? |
Theo Quyết định số 615/QĐ-CNC do Phó Đội trưởng Hải quan Khu Công nghệ cao ký ngày 2/7, Chi nhánh Vietfracht HoChiMinh – địa chỉ tại 11 Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, TP Hồ Chí Minh đã nợ thuế quá hạn trên 90 ngày theo quy định, với tổng số tiền là 4.192.493.414 đồng. Mã số thuế của chi nhánh là 0100105937-002.
Quyết định cưỡng chế có hiệu lực trong vòng một năm (từ ngày 2/7/2025 đến ngày 2/7/2026). Đây là biện pháp hành chính mạnh nhằm buộc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước sau nhiều lần nhắc nhở không hiệu quả.
Vietfracht HoChiMinh là một trong những chi nhánh chủ lực của Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu Vietfracht, hoạt động từ năm 1975, chuyên cung cấp dịch vụ đại lý hàng hải, giao nhận, thuê tàu, khai thuê hải quan và vận tải nội địa. Công ty mẹ – Vietfracht – thành lập năm 1963, từng là Tổng công ty Vận tải ngoại thương 100% vốn nhà nước trước khi cổ phần hóa năm 2006.
Tính đến quý I/2025, theo báo cáo tài chính hợp nhất, Vietfracht sở hữu tổng tài sản hơn 358,6 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm gần 63%. Doanh nghiệp đang có gần 131,1 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng nhưng chỉ 44,3 triệu đồng tiền mặt – cho thấy thanh khoản tức thời khá hạn chế.
Đáng chú ý, nợ phải trả của công ty lên tới hơn 41,8 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm quá 83%. Khoản nợ thuế 4,19 tỷ đồng tại chi nhánh TP.HCM là một phần của tổng số gần 9,2 tỷ đồng các khoản phải nộp Nhà nước chưa thanh toán tính đến 31/3/2025.
Mặc dù doanh thu trong quý I/2025 đạt hơn 26,2 tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận thuần chỉ đạt 4,38 tỷ đồn giảm tới 88% so với mức 34,57 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận sau thuế thậm chí còn giảm mạnh hơn, chỉ còn 3,1 tỷ đồng, tương đương mức sụt giảm 75,7%.
Tỷ suất lợi nhuận thuần/doanh thu rơi xuống dưới 17%, phản ánh sức ép chi phí và hiệu quả vận hành suy giảm. Chính điều này có thể lý giải phần nào việc doanh nghiệp rơi vào trạng thái nợ đọng thuế kéo dài dù vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu.
Việc một doanh nghiệp đầu ngành như Vietfracht HoChiMinh bị cưỡng chế thuế cho thấy rủi ro tài chính đang gia tăng trong lĩnh vực logistics – vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí vận tải, giá nhiên liệu và biến động nhu cầu toàn cầu.
Các biện pháp cưỡng chế từ cơ quan hải quan là lời cảnh báo nghiêm khắc về yêu cầu tuân thủ nghĩa vụ thuế không chỉ ở khía cạnh pháp lý mà còn là yếu tố phản ánh “sức khỏe” quản trị tài chính của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh cạnh tranh logistics ngày càng khốc liệt, không doanh nghiệp nào miễn nhiễm với rủi ro tài chính, kể cả những tên tuổi từng là “quốc doanh”. Vụ việc của Vietfracht HoChiMinh là lời nhắc rằng, năng lực thực thi nghĩa vụ thuế là thước đo niềm tin – không chỉ đối với cơ quan nhà nước mà còn với đối tác, khách hàng và nhà đầu tư.