![]() |
Ảnh: Vietfracht. |
Ngày 2/7, Hải quan Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định cưỡng chế hành chính đối với Chi nhánh CTCP Vận tải và Thuê tàu là Vietfracht HoChiMinh vì chậm nộp thuế kéo dài trên 90 ngày, với số tiền nợ hơn 4,19 tỷ đồng.
Quyết định cưỡng chế có hiệu lực trong vòng một năm (từ ngày 2/7/2025 đến ngày 2/7/2026). Đây là biện pháp hành chính mạnh nhằm buộc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước sau nhiều lần nhắc nhở không hiệu quả.
Vietfracht HoChiMinh là một trong 3 chi nhánh chủ lực của CTCP Vận tải và Thuê tàu Vietfracht, hoạt động từ năm 1975, chuyên cung cấp dịch vụ đại lý hàng hải, giao nhận, thuê tàu, khai thuê hải quan và vận tải nội địa.
Công ty mẹ – Vietfracht – thành lập năm 1963, từng là Tổng công ty Vận tải ngoại thương 100% vốn nhà nước trước khi cổ phần hóa vào năm 2006. Năm 2017, công ty chính thức đưa cổ phiếu giao dịch trên UPCoM với mã VFR.
Vietfracht có vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chính là cảng cạn, dịch vụ môi giới hàng hải, thuê tàu và cho thuê tàu. Hiện doanh nghiệp có 3 chi nhánh tại TP. HCM, Hải Phòng và Quảng Ninh. Công ty có 4 công ty con và 3 công ty liên kết, liên doanh.
![]() |
Cơ cấu cổ đông của Vietfracht. (Nguồn: BCTC năm 2024). |
Về tình hình kinh doanh, kể từ khi lên UPCoM, doanh thu của Vietfracht có dấu hiệu sa sút, từ mức trên 213 tỷ đồng năm 2017 giảm về 95 tỷ đồng sau 7 năm. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng giảm thất thường, đạt vài chục tỷ mỗi năm, riêng giai đoạn 2018 – 2020 thua lỗ 3 năm liên tiếp.
Vì là công ty giao dịch trên UPCoM, nên các số liệu sẽ được thuyết minh chi tiết hơn nếu dùng báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Theo báo cáo tài chính mới nhất đã kiểm toán, năm 2024, Vietfracht ghi nhận doanh thu gần 96 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước đó. Mức tăng này đến chủ yếu từ dịch vụ kinh doanh kho bãi và các dịch vụ khác, trong khi hụt nguồn thu từ vận tải biển và giao nhận vận tải.
![]() |
Chi tiết doanh thu của Vietfracht. (Nguồn: BCTC năm 2024). |
Giá vốn trong kỳ chiếm tới 87% doanh thu, khiến lãi gộp chỉ còn 12 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp đạt 12,5% năm vừa rồi.
Trong khi đó, chi phí bán hàng lên tới 17 tỷ đồng. Song nhờ có doanh thu từ hoạt động tài chính hơn 55 tỷ nên doanh nghiệp có lãi sau thuế gần 26 tỷ. Dù vậy, con số này chỉ bằng 1/3 năm 2023.
Bóc tách rõ hơn, trong năm vừa rồi, Vietfracht đã bán công ty liên doanh liên kết là Công ty TNHH Hankyu – Hanshin Express Việt Nam và lãi gần 39 tỷ đồng. Chưa kể doanh nghiệp này còn có thêm lãi tiền gửi, lãi từ cho vay hơn 15 tỷ, được hạch toán vào khoản mục doanh thu tài chính. Tổng khoản lãi các nguồn thu này cao gấp đôi so với cùng kỳ.
Bù lại, năm 2023 công ty ghi nhận lãi thanh lý bán tài sản cố định và thu về gần 46 tỷ đồng, trong khi năm 2024 vừa rồi được chưa tới 50 triệu đồng. Điều này khiến lợi nhuận sau thuế năm 2024 giảm mạnh so với năm trước đó.
Như vậy nhờ việc chuyển nhượng khoản đầu tư, Vietfracht mới duy trì mức lợi nhuận dương năm 2024.
Thực tế câu chuyện này đã xảy ra nhiều năm nay, nếu không bán đi tài sản, thanh lý khoản đầu tư, Vietfracht bản chất phải hạch toán lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh.
![]() |
Nguồn: BCTC đã kiểm toán. |
Nhìn vào bức tranh tài chính của Vietfracht, cũng có những điều đáng nói. Tổng tài sản cuối năm vừa rồi đạt 375 tỷ đồng, tăng 16% sau một năm chủ yếu là do tăng các khoản phải thu về cho vay ngắn hạn.
Cuối kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm gần một nửa tổng tài sản, tương đương 182 tỷ đồng, và chủ yếu đến phải thu về cho vay (139 tỷ), trong khi phải thu ngắn hạn của khách hàng chỉ hơn 10 tỷ đồng. Tức là, phần lớn tài sản của Vietfracht đang dùng để cho vay nợ và thu về lãi từ cho vay. Ngoài ra như đã nói ở trên, ngoài khoản doanh thu từ cho cho vay, công ty còn bán các tài sản, khoản đầu tư để duy trì mức lợi nhuận trong những năm gần đây.
Lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng cuối năm vừa rồi khoảng 53 tỷ đồng, chiếm 14% tổng tài sản. Trong khi đó, công ty nói không với vay nợ.
Tổng nợ phải trả hơn 62 tỷ đồng của Vietfracht hơn một nửa đến từ tiền thuế (hơn 31 tỷ) và các khoản phải trả khác (20 tỷ). Tuy nhiên đến cuối quý I/2025, số tiền thuế phải nộp nhà nước đã giảm còn 9,1 tỷ đồng.