Sở Xây dựng Tp.HCM là một trong những địa phương mới nhất có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn thành phố, yêu cầu nhanh chóng thực hiện chỉ đạo của Bộ Xây dựng về phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản.
Theo đó, Sở Xây dựng Tp.HCM yêu cầu các doanh nghiệp rà soát, cập nhật quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố nếu đã ban hành hoặc gửi quy định ban hành mới hoặc bản cập nhật về Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) trước ngày 15/9/2019 để thống kê, theo dõi, phục vụ công tác thanh tra, giám sát.
Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các quy định về nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin khách hàng, rà soát các giao dịch, khách hàng, áp dụng biện pháp tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao, phân công cán bộ thực hiện phòng, chống rửa tiền.
Mặt khác, các doanh nghiệp cần lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn từ 300 triệu đồng trở lên về Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản và Cục Phòng chống rửa tiền theo đúng quy định của pháp luật phòng chống rửa tiền.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải thực hiện đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố tại chính tổ chức minh về các giao dịch bất động sản. Kết quả đánh giá rủi ro của đơn vị gửi về Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản và Cục Phòng chống rửa tiền trước ngày 15/9/2019 để thống kê, theo dõi, phục vụ công tác thanh tra, giám sát.
Riêng đối với Thanh tra Sở Xây dựng, Sở Xây dựng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới, sàn giao dịch trên địa bàn thành phố và có báo cáo tổng hợp gửi về Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản trước ngày 15/9/2019.
Đánh giá về hiện tượng rửa tiền đối với các giao dịch bất động sản, trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ trong năm nay, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) bày tỏ: "Hiệp hội nhận thấy trong phân khúc nhà ở trung cấp, tỷ lệ nhà đầu tư khoảng 20 - 30%; phân khúc bình dân khoảng trên dưới 10%. Việc gia tăng quá nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong phân khúc nhà ở cao cấp và trung cao cấp nhằm đầu tư kinh doanh, cất giữ tài sản, cũng có thể nhằm mục đích rửa tiền, dễ dẫn đến việc đầu cơ và kích giá ảo trên thị trường bất động sản".
Trước đó, nhiều chuyên gia đã chỉ ra tình trạng bất động sản Việt Nam giao dịch với giá chênh tại rất nhiều dự án. Giá chênh nằm ngoài hệ thống sổ sách và được giao dịch bằng tiền mặt nên rất khó phát hiện được hành vi rửa tiền, bởi phần lớn tiền giao dịch bất động sản nằm ngoài hóa đơn chứng từ.
Về mặt pháp lý, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư hướng dẫn về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản.
Một trong những quy định rõ nhất, đó là đưa ra các dấu hiệu nhận biết giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản như: Doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với tình trạng tài chính hoặc với thông tin và hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng, hoặc có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản của khách hàng; không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc một giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính; giao dịch được tiến hành bởi một khách hàng có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mà tổ chức báo cáo biết hoặc có trong danh sách cảnh báo do Bộ Công an và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp.
Đồng thời, các dấu hiệu như: Hồ sơ giao dịch hoặc hồ sơ về bất động sản có dấu hiệu giả mạo; các giao dịch bất động sản là giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý; địa chỉ của các bên tham gia giao dịch không chính xác và có thay đổi địa chỉ so với những lần giao dịch trước…
Gần đây nhất, hồi đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Xây dựng cũng có công văn gửi Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu báo cáo các giao dịch đáng ngờ, các giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên về Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) và Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Mặc dù vậy, trên thực tế vẫn có rất nhiều luồng tiền đã đổ vào thị trường bất động sản trong những năm qua nhưng việc kiểm tra nguồn gốc vốn đầu tư vào thị trường này cũng không phải dễ dàng, nhất là trong bối cảnh tiền mặt vẫn được sử dụng nhiều trong giao dịch mua bán như tại Việt Nam.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho biết, từ năm 2009 Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định phòng chống rửa tiền, với mức từ 200 triệu đồng và các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ, theo đó áp dụng với bất động sản, chứng khoán và ngân hàng.
Theo ông Châu, hiện nay Luật Kinh doanh Bất động sản không quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn và người mua cũng có thể mua trực tiếp từ chủ đầu tư. Do vậy, số lượng giao dịch qua sàn không nhiều nên báo cáo cũng không phản ánh được hết thực tế giao dịch trên thị trường.
"Nếu muốn kiểm soát rửa tiền thì cần phải quy định tất cả giao dịch bất động sản phải qua ngân hàng. Đồng thời cả tài chính, thuế vào cuộc mới giải quyết được vấn đề", ông Châu nói.
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân cũng cho rằng, để phòng chống và ngăn ngừa nguy cơ rửa tiền, quy định pháp luật nên bắt buộc các giao dịch bất động sản, giao dịch mua bán giá trị lớn phải thông qua ngân hàng, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt.
Theo Minh Lâm