Bàn về phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

15:49 16/09/2022

Việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần có những mô hình mới với các cơ chế chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo.

Ngày 15/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Phát triển Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đồng tổ chức.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ, nhằm phổ biến các nội dung mới của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, bao gồm các quy định về chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái (KCNST).

Trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế đã được ghi nhận vai trò to lớn trong các thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, trong đó có sự lớn mạnh về quy mô của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đổi mới công nghệ.

Bên cạnh những đóng góp quan trọng, các KCN, khu kinh tế cũng đối diện với không ít thách thức như: gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn, năng suất lao động, hiệu quả khai thác chưa cao. Tốc độ phát triển nhanh của KCN cũng đặt ra nhiều thách thức như ô nhiễm nước và khí thải góp phần gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu.

Do vậy, việc phát triển KCN, khu kinh tế cần có những mô hình mới với các cơ chế chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Giai đoạn 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO, SECO và các nhà tài trợ khác triển khai thí điểm mô hình KCNST tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ. Đã có trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng mỗi năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm được 32 tấn khí CO2 hằng năm, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Giai đoạn 2020-2023, Chính phủ Thuỵ Sỹ tiếp tục hỗ trợ 3 KCN tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đồng Nai phát triển chuyển đổi sang mô hình KCNST theo khung quốc tế, là tiền đề để nhân rộng mô hình này trên cả nước.

Bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phổ biến các nội dung mới của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, bao gồm các quy định về chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái. Các điểm mới tiêu biểu là Điều 36 đến Điều 45, ở quy mô cấp tỉnh ưu tiên đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa kết cấu hạ tầng KCN hiện hữu để hỗ trợ chuyển đổi thành KCNST cũng như thu hút đầu tư vào KCNST. Chú trọng vào khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để cải tiến, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất, giảm ô nhiễm và sử dụng tài nguyên, năng lượng. KCN, doanh nghiệp sinh thái cũng được hưởng rất nhiều ưu đãi như miễn giảm tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi, đưa vào danh mục dự án ưu tiên thu hút vốn đầu tư…. 

Các Đại biểu tham gia Hội thảo.
Các Đại biểu tham gia Hội thảo.

Các đại diện tham gia Hội thảo đã chia sẽ những vướng mắc, đề xuất và bài học kinh nghiệm quý giá nhằm triển khai thực hiện mô hình KCNST tại các KCN, các nhà đầu tư phát triển hạ tầng và doanh nghiệp.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiệu quả đầu tư của các khu chế xuất (KCX), KCN Thành phố chưa cao về cơ cấu đầu tư, giá trị gia tăng của sản phẩm, hiệu quả sử dụng tài nguyên, thâm dụng lao động phổ thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa hoàn thiện.

Một số khu chế xuất, KCN đã hoạt động được một nửa chu kỳ hoạt động, đến năm 2041 và một số năm tiếp theo, sẽ có một số KCX, KCN bắt đầu hết thời hạn 50 năm thuê đất của Nhà nước; vùng không gian xung quanh một số KCX, KCN rất đông dân cư và là các đô thị phát triển. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tìm quỹ đất quy hoạch khu công nghiệp mới, xây dựng khu công nghiệp phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển.

Về tình hình áp dụng mô hình KCNST, ông Werner Bardill, Tổng lãnh sự Thụy Sỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, Đối với quy mô KCN và doanh nghiệp đã tích cực đầu tư và xây dựng các giải pháp sản xuất sạch hơn cũng như là sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Ông mong rằng có thêm nhiều KCN tại Việt Nam tham gia vào quá trình chuyển đổi này để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.

Về việc sử dụng các công cụ, giải pháp hỗ trợ cho việc chuyển đổi và xây dụng mới KCNST, bà Nguyễn Trâm Anh - Chuyên gia kỹ thuật của UNIDO đề xuất xây dựng bộ chỉ số giám sát, đánh giá KCN sinh thái. Bộ chỉ số này có 29 chỉ số giám sát, đánh giá KCN, bao gồm 7 chỉ số về môi trường, 4 chỉ số quản lý KCN, 7 chỉ số về kinh tế, 8 chỉ số về xã hội.

Ông Alessandro Flammini, Điều phối viên Dự án UNIDO cho biết, Việt Nam có thể rút ra 6 kinh nghiệm quốc tế, gồm: Các chính sách KCNST của Chính phủ cần được điều chỉnh phù hợp với tình hình địa phương. Không nên tiếp cận theo kiểu “Một mô hình phù hợp cho tất cả”. Các chiến lược KCNST của Chính phủ được lồng ghép vào nhiều chính sách khác nhau, không nhất thiết phải tập trung Chiến lược trong một chính sách... Tận dụng nguồn lực hợp tác giữa các doanh nghiệp trong KCN và giữa doanh nghiệp với Chính phủ. Linh hoạt trong việc áp dụng chính sách, tiếp cận theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ động và tạo điều kiện của các cơ quan quản lý KCN để khuyến khích sự tương tác giữa các doanh nghiệp với nhau. Vai trò của Chính phủ: Thực thi pháp luật, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, có sự quy hoạch đúng đắn và phải thực hiện đối thoại giữa các bên liên quan.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bố Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao sự nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm mà đại diện các Bộ, ban, ngành cùng đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của UNIDO đã thông tin, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm. Thông qua Hội thảo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp và tham mưu cho Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc trong khâu thủ tục hành chính để mô hình KCNST phát triển đúng theo lộ trình.

Huyền Vi