Theo Viện Y tế Công cộng Harvard định nghĩa: “Tính bền vững có nghĩa là thực hành đáp ứng nhu cầu của xã hội trong khi bảo vệ cơ sở vật chất cho sự tồn tại lâu dài của con người và môi trường”.
Ngành công nghiệp thực phẩm và dinh dưỡng đã chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng bền vững dưới nhiều hình thức và được thúc đẩy bởi sự chuyển dịch rộng lớn của xã hội. Ngày càng có nhiều người muốn ăn và sống “xanh”, giảm thiểu tác hại gây ra cho môi trường và tối đa hóa lợi ích sức khỏe từ quá trình chọn lọc thực phẩm. Theo nghiên cứu của Hội đồng Thông tin Thực phẩm Quốc tế (IFIC), 59% người tiêu dùng được khảo sát trong năm 2018 quan tâm mua sản phẩm sản xuất theo cách bền vững. Con số này đã tăng từ 50% năm 2017. Trong đó các sản phẩm có tuyên bố về trách nhiệm xã hội và canh tác bền vững đạt mức tăng trưởng bán lẻ cao nhất.
Thành phần xanh, lành mạnh
Khoảng 65% người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm có thể mang lại cuộc sống bền vững và có trách nhiệm hơn với xã hội. Người dùng chọn mua sản phẩm chủ yếu thông qua danh sách thành phần, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều công ty đáp ứng nhu cầu nhờ nhãn thực phẩm rõ ràng, dễ hiểu. Nói chung, xu hướng mới hiện nay thiên về các thành phần tự nhiên và càng nhiều hóa chất sẽ không tạo được thiện cảm với khách mua hàng. Các thương hiệu áp dụng phương pháp này có thể kể đến KFC (Úc), Unilever hay WoofWell trong lĩnh vực thức ăn cho thú cưng.
Tuy nhiên nhiều công ty đang “đi đường tắt” khi sử dụng tên gây hiểu lầm cho các thành phần trong sản phẩm như một cách lách luật che giấu tính thiếu lành mạnh không giống như tuyên bố. Chiến lược này có thể hiệu quả trong một thời gian ngắn nhưng chắc chắn sẽ phản tác dụng khi ngày càng nhiều người tiêu dùng bắt đầu sử dụng các trang web đánh giá trực tuyến để đọc đánh giá sản phẩm trước khi mua hàng. Khi một thương hiệu cố ý gây hiểu lầm sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp không chỉ doanh số bán hàng mà còn là danh tiếng của công ty.
Nguồn cung ứng bền vững
Một xu hướng quan trọng khác là người tiêu dùng tập trung vào mua các sản phẩm thực phẩm được làm bằng nguyên liệu có nguồn gốc bền vững. Yếu tố quyết định chính ở đây là liệu các thành phần có được sản xuất theo các phương pháp thực hành có lợi cho môi trường hay không. Các chi tiết cụ thể phụ thuộc nhiều vào các lĩnh vực khác nhau có thể áp dụng nhiều cách tiếp cận nhằm xác định các tiêu chuẩn bền vững. Chẳng hạn như Liên minh trồng rượu bền vững California sử dụng các chỉ số như nước, năng lượng gắn nhãn cho các loại rượu vang được sản xuất tại các vườn nho đủ tiêu chuẩn.
Một điểm quan trọng khác là khoảng cách phân phối sản phẩm từ nhà máy đến điểm bán có tác động trực tiếp đến lượng khí thải carbon. Do đó lựa chọn sản phẩm sản xuất tại địa phương đang là xu hướng “nóng” và nếu doanh nghiệp cần một quãng đường dài để phân phối sản phẩm phải chứng minh được các khía cạnh vượt trội khác của tính bền vững, ví dụ như sử dụng các nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên và có lợi cho sức khỏe.
Lựa chọn chế độ ăn uống
Xu hướng quan trọng thứ ba liên quan đến điểm đầu tiên của định nghĩa được trích dẫn ở trên - đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Một nghiên cứu của Accenture đã phát hiện ra rằng trong nhiều năm qua người dân Mỹ chọn theo một chế độ ăn kiêng cụ thể, chẳng hạn như keto dựa trên thực vật hoặc thuần chay với nhiều lý do quan tâm về sức khỏe, đạo đức và môi trường. Rõ ràng, không chỉ tại Mỹ mà hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đều dành chỗ cho thị trường thực phẩm phục vụ chế độ ăn kiêng riêng biệt. Các thương hiệu cung cấp các lựa chọn phù hợp với các chế độ này sẽ thu lợi nhanh và đạt được “lòng trung thành” của khách hàng, mang lại lợi ích lâu dài cho thương hiệu.
TL