Nguồn hàng hoá nước ngoài thông qua thương mại điện tử cũng bắt đầu khiến không ít doanh nghiệp sản xuất trong nước lao đao.
Với một nền kinh tế có độ mở cao và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như Việt Nam thì việc các doanh nghiệp nước ngoài phát triển và triển khai nhiều mô hình thương mại mới ở nước ta là điều dễ hiểu.
Làm thế nào để bảo vệ các ngành hàng sản xuất và hàng hoá Việt Nam trước xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới là vấn đề quan trọng được đặt ra.
Đâu là nguyên nhân hàng Việt Nam mất thị phần ngay trên sân nhà?
Hàng Việt Nam bị mất thị phần ngay trên sân nhà là một vấn đề đáng báo động trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và sự bùng nổ của thương mại điện tử.
Ảnh minh hoạ |
Nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng cao mà người tiêu dùng mong đợi. Điều này khiến họ ưu tiên lựa chọn hàng nhập khẩu từ các thương hiệu nổi tiếng.
Doanh nghiệp trong nước chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, dẫn đến việc người tiêu dùng không có sự tin tưởng hoặc không nhận thức được giá trị của hàng Việt. Trong khi các sản phẩm nhập khẩu có chiến lược tiếp thị rõ ràng và mạnh mẽ, thì hàng Việt thờ ơ trong việc quảng bá, xây dựng hình ảnh.
Mặt khác, kênh phân phối còn nhiều hạn chế khiến sản phẩm khó đến tay người tiêu dùng. Trong khi các hãng sản xuất ngoại nhập, đặc biệt là từ các quốc gia có nền kinh tế phát triển, thường có ưu thế hơn về công nghệ, quy mô sản xuất và chiến lược giá cả, tạo sức ép lớn lên hàng Việt.
Việc hàng Việt bị mất thị phần ngay trên sân nhà là một thách thức lớn, nhưng cũng sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp tự hoàn thiện, phát triển. Nếu biết tận dụng và khắc phục những yếu điểm hiện tại, hàng Việt hoàn toàn có khả năng lấy lại vị thế và chinh phục người tiêu dùng.
Làm thế nào để bảo vệ các ngành sản xuất và hàng hoá Việt Nam trước xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới?
Với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nền tảng thương mại điện tử, doanh nghiệp trong nước cần cân nhắc kỹ lưỡng về giá cả. Giá thành sản phẩm có thể bị ép xuống thấp nếu doanh nghiệp không thể cải thiện hiệu suất hoặc tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu giá rẻ hơn.
Việc mở rộng kênh phân phối trực tuyến có thể giúp các doanh nghiệp tiếp cận đến lượng khách hàng lớn hơn. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng đầu tư vào công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp hàng Việt có thể cạnh tranh tốt hơn với hàng nhập khẩu.
Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng chặt chẽ, đạt tiêu chuẩn quốc tế để tăng độ tin cậy cho sản phẩm nội địa.
Tích cực tham gia vào các diễn đàn hội chợ, triển lãm và sử dụng các kênh thương mại điện tử để quảng bá giá trị cốt lõi của sản phẩm và tiếp thị hàng hóa.
Đặc biệt không thể thiếu việc đồng hành của Chính phủ qua các chính sách về thương mại điện tử, nhất là việc quản lý hàng hóa xuyên biên giới, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo an toàn sản phẩm.
Có cơ chế áp dụng thuế suất hợp lý đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ sản phẩm trong nước, tránh cạnh tranh không bình đẳng.
Bổ sung các chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có thể đầu tư vào công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất.
Đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo cho doanh nghiệp về xu hướng thương mại điện tử, kỹ năng xuất khẩu và kinh doanh trực tuyến.
Tạo dựng, mở rộng mạng lưới phân phối hiệu quả, bao gồm cả kênh phân phối truyền thống và trực tuyến, để tăng cường khả năng tiếp cận của hàng hóa Việt Nam với người tiêu dùng.
Khuyến khích hợp tác giữa các nhà sản xuất và các nền tảng thương mại điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt tiếp cận thị trường trực tuyến.
Đầu tư cho công tác nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm mới, cải tiến sản phẩm hiện tại, đảm bảo hàng Việt luôn tiên tiến, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Chú trọng công tác truyền thông nhằm tạo cơ hội để người tiêu dùng hiểu lợi ích của hàng hóa nội địa, tạo thói quen ưu tiên sử dụng hàng Việt.
Để bảo vệ và phát triển các ngành sản xuất và hàng hóa Việt Nam trước xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới, việc phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng là rất quan trọng. Chỉ khi tất cả cùng nỗ lực, hàng Việt mới có thể vững vàng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.