Thông tin từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 3 doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị 252 tỷ đồng, trong đó phần vốn của các tập đoàn, tổng công ty là 151 tỷ đồng.
Như vậy, lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng Sáu năm nay, các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án cổ phần hóa tại 183 doanh nghiệp với tổng giá trị 489.943 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 233.944 tỷ đồng.
Báo cáo chỉ ra trong 183 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa (128 doanh nghiệp) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đạt 30% kế hoạch). Do đó, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch trong sáu tháng cuối năm là 89 doanh nghiệp (tương ứng 70% kế hoạch). Đáng nói 88/98 đơn vị trên còn chưa công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.
Về vấn đề này, đại diện phía Bộ Tài chính cho biết, đang rà soát, hoàn thiện nhiều cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước nhằm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành giúp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch đề ra.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ có công văn chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Về cơ chế chính sách, trong ngắn hạn, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các cơ chế chính sách quan trọng, như Quyết định về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2021-2025…
Về phía các cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành đầy đủ sớm triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch đề ra.
Linh An