![]() |
TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam đã có bài phân tích chỉ rõ những khó khăn trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. |
Trong quá trình phát triển kinh tế, nhiều quốc gia gặp khó khăn khi cố gắng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Theo Ngân hàng Thế giới (2024), có 108 quốc gia được xếp vào nhóm thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người dao động từ 1.136 đến 13.845 USD. Những quốc gia này chiếm 75% dân số thế giới, tạo ra hơn 40% GDP toàn cầu nhưng đồng thời cũng phát thải hơn 60% lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, chỉ 34 quốc gia đã thành công trong việc vươn lên mức thu nhập cao từ năm 1990 đến nay.
Tại Hội thảo Các động lực cho tăng trường cao, bền vững kinh tế Việt Nam năm 2025 và các năm tiếp theo diễn ra sáng 1/4, TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam đã có bài phân tích giải pháp giúp các quốc gia xây dưng một chiến lược phát triển để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Theo đó, ông đề xuất 3 giai đoan xây dựng. Giai đoạn đầu tập trung vào đầu tư, giai đoạn tiếp theo chú trọng vào đầu tư và truyền bá công nghệ, trong khi giai đoạn cuối đòi hỏi sự kết hợp giữa đầu tư, truyền bá và đổi mới sáng tạo. Thành công của Hàn Quốc là minh chứng rõ nét khi quốc gia này từ năm 1960 đến 1980 tập trung vào cập nhật và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, từ đó tạo đà phát triển mạnh mẽ. Ngược lại, Brazil đã thất bại do bỏ qua giai đoạn hấp thụ công nghệ và muốn nhảy thẳng vào nghiên cứu phát triển, dẫn đến kết quả không như mong đợi.
Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu không chú trọng vào việc làm chủ và hấp thụ công nghệ. “Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung vào mua sắm dây chuyền, thiết bị mà chưa thực sự nắm vững và cải tiến công nghệ. Một trong những rào cản lớn là 5 ‘thung lũng chết’ trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm tư duy và nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của khoa học công nghệ (KH&CN), những khó khăn trong thương mại hóa nghiên cứu, hệ thống pháp lý và thủ tục hành chính rườm rà, hạn chế về nguồn lực đầu tư và thiếu cơ chế thu hút nhân tài”, TS. Hà Huy Ngọc nhận định.
Để tháo gỡ những rào cản này, TS. Hà Huy Ngọc nhấn mạnh đến ba giải pháp đột phá. Trước hết, cần đổi mới tư duy, tạo sự đột phá để loại bỏ mọi cản trở trong phát triển KH&CN. Tiếp theo, phải xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đầy đủ và đồng bộ nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Cuối cùng, đầu tư mạnh mẽ vào KH&CN, đặc biệt là vào các công nghệ chiến lược.
“Bên cạnh các giải pháp đột phá cụ thể, cần nhanh chóng sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ (2013) cùng các luật liên quan theo hướng xây dựng Luật khung, đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp và trao quyền tự chủ cho các đơn vị KH&CN”, TS. Hà Huy Ngọc thông tin.
![]() |
Phần lớn doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung vào mua sắm dây chuyền, thiết bị mà chưa thực sự nắm vững và cải tiến khoa học công nghệ. |
Theo TS. Hà Huy Ngọc, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần có chiến lược đầu tư bài bản vào công nghệ và nhân lực. Trước hết, cần phát triển chương trình đào tạo kỹ sư tài năng tại các trường đại học hàng đầu, đồng thời xây dựng danh mục công nghệ chiến lược để tập trung nguồn lực đầu tư. Để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, Việt Nam cần thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghệ chiến lược với quy mô tối thiểu 10 tỷ USD, tạo nền tảng tài chính vững chắc cho các dự án mang tính đột phá.
Bên cạnh đó, yếu tố nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển công nghệ. TS. Hà Huy Ngọc nhấn mạnh, Việt Nam cần xây dựng một mạng lưới chuyên gia hàng đầu trong các ngành mũi nhọn, với ít nhất 50 chuyên gia dẫn dắt ở mỗi lĩnh vực. Đồng thời, việc thiết lập cơ chế chức nghiệp rõ ràng, tuyển dụng dựa trên năng lực thực sự và tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia phát huy tối đa năng lực sẽ giúp củng cố nền tảng nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần được trao quyền nhiều hơn để trở thành động lực chính của đổi mới sáng tạo. Theo TS. Hà Huy Ngọc, Việt Nam cần rà soát và loại bỏ các quy định ràng buộc về tiêu chuẩn và quy chuẩn đang cản trở hoạt động sản xuất – kinh doanh. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ đổi mới công nghệ, đồng thời thu hút các tập đoàn công nghệ lớn như NVIDIA bằng các gói hỗ trợ nhân lực chất lượng cao.
Song song với các chính sách dành cho doanh nghiệp, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội vào khoa học công nghệ. “Một giải pháp quan trọng là hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm theo mô hình hợp tác công – tư, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia sâu hơn vào nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, việc thí điểm cơ chế đặc thù trong các lĩnh vực công nghệ mới như fintech, giao dịch tài sản số, công nghệ y học và năng lượng sạch sẽ giúp Việt Nam tận dụng cơ hội dẫn đầu trong những ngành đang có tiềm năng bứt phá”, TS. Hà Huy Ngọc đề xuất.
Tuy nhiên, để một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển bền vững, chính sách hỗ trợ thôi là chưa đủ. "Việt Nam cần đảm bảo một môi trường kinh doanh thuận lợi bằng cách đơn giản hóa quy trình đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư và thiết kế các chính sách có tính cạnh tranh cao so với khu vực và thế giới. Việc thu hút nhân tài cũng cần được chú trọng thông qua các chính sách ưu đãi như cấp thị thực dài hạn và xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn cho các chuyên gia trong và ngoài nước", TS. Hà Huy Ngọc thông tin thêm.
Thông tin mà TS. Hà Huy Ngọc chia sẻ, nhấn mạnh rằng Việt Nam cần hành động quyết liệt, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm để vượt qua rào cản. Nếu chậm trễ, nguy cơ mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình và thách thức nâng tầm kinh tế là điều khó tránh khỏi.