Sau 32 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại, cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp. Nền kinh tế đã dần hình thành đầy đủ các yếu tố thị trường, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
So với thời kỳ trước đổi mới, diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, đạt ngưỡng thu nhập trung bình, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện…
Ảnh minh họa
Thay đổi triết lý kinh doanh
Đánh giá về thành tựu nổi bật của kinh tế Việt Nam sau hơn 3 thập kỷ Đổi mới, GS. TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghien cứu kinh tế và phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho rằng, có 4 điểm nhấn quan trọng trong giai đoạn kinh tế 1986 đến nay (2018).
Thứ nhất, từ 1986 đến nay, Việt Nam đã chuyển hẳn từ nền kinh tế hiện vật, kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, kinh tế hàng hóa. Thay đổi triết lý kinh doanh của cả nền kinh tế từ chỗ chỉ sản xuất tiêu dùng theo kế hoạch sang kinh tế thị trường, kinh doanh kiếm lời, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thay đổi toàn bộ tập quán, tư duy sản xuất kinh doanh, hướng vào thị trường. Chính điều này làm cho nền kinh tế khởi sắc suốt 32 năm qua.
Thứ hai, chuyển từ nền kinh tế quốc doanh, tập thể sang nền kinh tế đa thành phần: khu vực nhà nước, khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tạo sự bình đẳng, đồng thời thu hút được nguồn lực để phát triển kinh tế đất nước. Đây là thành công rất lớn của công cuộc đổi mới, GS. TS. Đặng Đình Đào đánh giá.
Thứ ba, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển chỉ rõ, từ chỗ chỉ thực hiện ưu tiên phát triển tư liệu sản xuất, tập trung công nghiệp nặng sang phát triển nền kinh tế với 3 chương trình lớn suốt từ năm 1986 đến nay & rất thành công, đó là chương trình lương thực, hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng. Chính điều này đã giúp giải quyết vấn đề hàng hóa trên thị trường, cân đối được cung cầu, hàng hóa rẻ hơn, có thể cạnh tranh với các nước. Nhờ chuyển sang phát triển kinh tế với các chương trình lớn này, đến nay, nền kinh tế đã có thế và lực trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thứ tư, chuyển từ nền kinh tế theo kế hoạch sang cơ chế thị trường, giá cả thị trường, do thị trường quyết định. Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho các doanh nghiệp vươn lên phát triển, đặc biệt sau 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tốc độ phát triển của Việt Nam thuộc diện cao trên thế giới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng tăng trưởng chưa được như mong muốn, GS. TS. Đặng Đình Đào nhận định.
Theo đánh giá của vị chuyên gia này, việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường, mọi hoạt động vận hành theo thị trường là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, động lực để mọi người dân, doanh nghiệp vươn lên làm giàu.
Nêu bật thành tựu kinh tế sau 32 năm đổi mới, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Việt Nam đã từ một nước kém phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp với tốc độ tăng trưởng được cải thiện rõ rệt. Việt Nam cũng đã có bước chuyển đổi thành công sang kinh tế thị trường, hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát huy được nội lực và trở thành một nền kinh tế năng động.
Cần tích cực cải cách thể chế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, dù kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển và có nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa phát huy được hết hiệu quả và tiềm năng của nền kinh tế. Việc cải cách thể chế còn chậm, do đó, nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều rào cản như giấy phép con “hành” doanh nghiệp; nhiều thủ tục hành chính còn chồng chéo; sự phiền hà, nhũng nhiễu, tình trạng tham nhũng còn phổ biến; năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa cao. Việt Nam vẫn xếp thứ 50/143 nền kinh tế.
“Việt Nam hoàn toàn có thể làm được tốt hơn những yếu điểm này. Thời gian tới, Việt Nam cần tích cực cải cách thể chế kinh tế, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế để có thể phát huy được các lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không Việt Nam sẽ tụt hậu sâu về phía sau”, TS. Lê Đăng Doanh cảnh báo.
Theo chuyên gia kinh tế này, cho đến nay, Việt Nam vẫn tăng trưởng chủ yếu dựa vào huy động vốn (trong đó có cả huy động vốn nước ngoài và ODA); dựa vào khai thác các tài nguyên trong nước và phát huy lợi thế lao động trẻ, giá rẻ. Tuy nhiên, những lợi thế đó đang ngày càng giảm dần.
Vì vậy, TS. Lê Đăng Doanh khuyến cáo, Việt Nam cần tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả năng suất lao động, đặc biệt phải chú ý đến chất lượng tăng trưởng, tăng trường bền vững và bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
Trần Ngọc - Cẩm Tú