Người dân TP.HCM nói gì trước tình trạng ô nhiễm không khí?
Người dân TP.HCM sống tại 3 điểm thường xuyên có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức cao nhất chia sẻ cảm nhận khi phải sống trong ô nhiễm kéo dài.
Sau nhiều ngày người dân TP.HCM sống trong nỗi bất an do ô nhiễm không khí, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM) thừa nhận việc công bố thông tin về ô nhiễm không khí chậm trễ đến người dân do phương pháp quan trắc thủ công, phải 3 ngày mới có kết quả.
Nhận xét về sự chậm trễ này, chuyên gia y tế nhận định việc công bố kết quả quan trắc quá muộn sẽ không có nhiều ý nghĩa cho việc bảo vệ sức khỏe của người dân. Ngoài những thiệt hại về sức khỏe, các chuyên gia cũng cảnh báo về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến nền kinh tế.
Sao phải chờ tận 3 ngày?
Từ khi được bạn bè giới thiệu sử dụng phần mềm AirVisual để kiểm tra chỉ số không khí trong TP, anh Trọng Minh (quận 2) bắt đầu quan tâm hơn đến chất lượng môi trường xung quanh.
"Thỉnh thoảng trời mù mù thì tôi mở ứng dụng ra kiểm tra, thấy nhiều điểm đỏ lòm. Những lúc như thế tôi thường lựa buổi tối hoặc sau khi trời mưa mới ra đường", anh Minh cho hay.
Chia sẻ về việc TP.HCM chỉ có công bố kết quả về ô nhiễm không khí sau 3 ngày, anh Minh cho biết anh sẽ tiếp tục sử dụng ứng dụng quốc tế để theo dõi chất lượng không khí thay vì chờ các thông tin từ TP. "Rõ ràng là tôi xem trên ứng dụng nhanh hơn mà tiện hơn nhiều, sao phải chờ TP tận 3 ngày", thanh niên trẻ đặt câu hỏi.
Kết quả quan trắc vào 11h40 ngày 26/9 tại TP.HCM cho thấy nhiều nơi tiếp tục có chất lượng không khí ở mức xấu và kém. Nguồn: AirVisual. |
TS Trần Ngọc Đăng, giảng viên môn Sức khỏe môi trường, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng các ứng dụng quốc tế sử dụng kết quả đo từ các trạm quan trắc cá nhân chỉ có tính chất tham khảo tạm thời. Kết quả này sẽ không thể chính xác và đáng tin cậy bằng các trạm quan trắc đạt chuẩn do Nhà nước xây dựng.
Nhận xét về thời gian công bố kết quả quan trắc của TP, TS Đăng cho rằng người dân sẽ không thể có các biện pháp bảo vệ sức khỏe kịp thời nếu sau 3 ngày mới biết không khí có ô nhiễm hay không.
"Lúc nào cần, tôi mở ứng dụng ra xem không khí ô nhiễm mức nào, bụi mịn bao nhiêu để quyết định có ra đường không, đeo khẩu trang loại gì... Còn kết quả có sau 3 ngày hay 1 tháng thì không có nhiều ý nghĩa với người dân", chuyên gia y tế khẳng định.
Theo ông Đăng, một trong những việc TP.HCM cần làm ngay là thiết lập những trạm quan trắc tự động để thông báo kịp thời cho người dân về tình trạng ô nhiễm.
Thiệt đủ đường
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường, nhận định tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam “thiệt đơn thiệt kép”.
Thứ nhất là các bệnh do ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng đến sức khỏe khiến năng suất lao động giảm dần theo thời gian. Thêm vào đó là chi phí y tế để khám chữa các bệnh nghề nghiệp ngày càng tăng, đặc biệt là bệnh do các kim loại nặng trong không khí.
Chỉ tính riêng Hà Nội, ước tính chi phí khám, chữa bệnh liên quan đến hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500 đồng/người/ngày. Với khoảng 3,5 triệu dân nội thành, tổng thiệt hại kinh tế có thể lên tới 2.000 tỷ đồng/năm.
Mù khô liên tiếp bủa vây TP.HCM trong nhiều ngày qua khiến người dân lo lắng về sức khỏe. Ảnh: Thu Hằng. |
Trên thực tế, tình hình "tiền mất tật mang" vì ô nhiễm không khí không chỉ là nguy cơ của riêng Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu năm 2016 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tác động đáng lo ngại nhất của ô nhiễm không khí ngoài trời là số người chết sớm trên toàn cầu được dự báo tăng từ 3 triệu người (2010) lên cao nhất 9 triệu người vào năm 2060.
Chi phí phúc lợi dành cho các trường hợp này sẽ tiêu tốn khoảng 25.000 tỷ USD và người lao động trên toàn thế giới sẽ mất khoảng 3,75 tỷ ngày làm việc vì nguyên nhân này.
Hậu quả thứ 2 được TS Tiến nêu ra là những tác động tiêu cực với hệ sinh thái dẫn đến giảm năng suất kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp và thủy sản. Cụ thể, khi trời mưa, toàn bộ chất độc hại trong không khí sẽ ngấm xuống đất, xâm nhập vào chuỗi cây trồng làm giảm chất lượng nông sản.
Tương tự, đối với thủy sản, khi cá, tôm… sống trong nguồn nước ô nhiễm cũng ẩn họa nhiều nguy cơ đến sức khỏe người tiêu dùng.
“Nhiều lô hàng xuất khẩu của Việt Nam ra đến bạn bè quốc tế bị trả ngược lại do không đạt tiêu chuẩn an toàn, nguyên nhân rất lớn do tác động từ ô nhiễm”, TS Tiến nêu thực trạng.
Tỉ lệ tử vong do ô nhiễm không khí cao gấp 5 lần tai nạn giao thông
Tại Việt Nam, theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (2013), có khoảng 66.300 người tử vong do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.TS Lê Việt Phú, chuyên gia kinh tế môi trường của Đại học Fullbright Việt Nam, nhận định con số này gấp 5,5 lần con số 12.000 người chết do tai nạn giao thông ở Việt Nam hàng năm. Theo ông Phú, số người tử vong hàng năm vì các bệnh liên quan đến không khí ô nhiễm cũng khiến Việt Nam thiệt hại 5-7% GDP/năm.