TS Nguyễn Sỹ Dũng: Quy định pháp luật xung đột khiến doanh nghiệp rơi vào mớ bòng bong

00:00 12/10/2020

Đề cập đến thủ tục hành chính ở Việt Nam còn phiền hà, thời gian và chi phí cho thủ tục hành chính vẫn còn cao, chi phí không chính thức còn lớn; hệ thống pháp luật kinh doanh vẫn còn những điểm thiếu minh bạch, thiếu nhất quán, chưa bình đẳng… đang cản trở và trói buộc những nỗ lực phát triển của các địa phương và doanh nghiệp, TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, thủ tục không chỉ là thủ tục mà chính là quyền năng, mà quyền năng thì sinh ra lợi ích, chính vì vậy lợi ích của bộ máy được gắn với quyền năng ấy nên phải giải quyết tận gốc của vấn đề mới đạt hiệu quả.

Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh. Những điều kiện kinh doanh trước đây, tưởng khó bị xóa bỏ thì trong đợt rà soát vừa qua cũng đã được cân nhắc, xem xét để điều chỉnh. Một trong những điểm sáng nổi bật là có nhiều Nghị định đã bãi bỏ toàn bộ điều kiện kinh doanh của một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Có thể kể đến như bãi bỏ hoàn toàn điều kiện kinh doanh của hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy; bãi bỏ tất cả điều kiện kinh doanh đối với cơ sở in các sản phẩm in (trừ báo, tạp chí và các ấn phẩm báo chí khác, tem chống giả); bãi bỏ toàn bộ điều kiện cả đơn vị quản lí, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị, đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lí cây xanh, tổ chức tư vấn lập quy hoạch trong lĩnh vực vật liệu xây dựng… Tuy nhiên,việc rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn còn nhiều điều chưa như kì vọng. Vẫn còn tình trạng không ít các điều kiện kinh
doanh bất hợp lí vẫn đang tồn tại, thậm chí diễn ra tình trạng “bỏ cũ thêm mới”, doanh nghiệp gặp khó khăn hơn với chính các điều kiện kinh doanh được sửa đổi. “Để việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh đi vào thực chất, tôi nghĩ cần triển khai thực hiện ở tầm động lực chứ không thể bắt buộc. Ví như tại Singapore, khi GDP tăng được 3% thì một nửa trong số tăng đó sẽ được chia cho cán bộ, công chức. Tức là khi các cán bộ trong bộ máy công quyền làm thế nào hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp làm ăn được thì người ta được lợi, trái hẳn với tình trạng phải làm khó doanh nghiệp để được lợi như ở Việt Nam, kiểu cứ xin phép một thủ tục phát sinh thì phải có phong bì...

Chúng ta đang khuyến khích ngược nên tốn công sức nhiều mà kết quả đạt được chỉ như “ném đá ao bèo”, cắt chỗ nọ lại phình chỗ kia. Cùng đó, các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương phải lấy được sự hài lòng của doanh nghiệp. Sự hài lòng của doanh nghiệp không phải thể hiện ở việc hỏi công khai doanh nghiệp nào đó có hài lòng không vì chắc chắn không có doanh nghiệp nào dám nói là không hài lòng, mà phải tiến hành thăm dò tự động trên mạng. Tỷ lệ doanh nghiệp được thăm dò hài lòng càng cao chính là hiệu quả cắt giảm điều kiện, thủ tục hành chính đi vào thực chất, đạt hiệu quả cao, nghĩa là đã thay đổi được hệ thống và giải quyết được tận gốc vấn đề”, TS Nguyễn Sỹ Dũng phân tích. Cũng theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên nhân của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh chưa đạt kết quả như kì vọng là do hệ thống các quy định của pháp luật đang chồng chéo, gây khó cho doanh nghiệp.

TS Nguyễn Sỹ Dũng

Doanh nghiệp tuân thủ Luật này nhưng lại vi phạm Luật kia, đặc biệt Luật Đất đai và Luật Quy hoạch nên mới xảy ra tình trạng Thanh tra mảng này thì đúng, Thanh tra mảng khác vào thì lại thấy sai phạm. Chẳng hạn, Luật Đất đai quy định dự án có quy mô là A thì phải xin chủ trương chấp thuận của Thủ tướng, trong khi đó Luật Đầu tư lại quy định dự án có quy mô lớn hơn A chỉ phải xin chủ trương của UBND tỉnh, rõ ràng quy định sau xung đột với quy định trước. Chính vì vậy, các cơ quan nghiên cứu, ban hành Luật phải đưa ra một công cụ rất rõ ràng, đó là Pháp điển hóa. Có công cụ Pháp điển hóa, khi đăng nhập vào phần mềm sẽ biết được các quy định của một đạo Luật sắp ban hành có chồng chéo và có vênh với các quy định của Luật khác hay không để điều chỉnh cho phù hợp với các Luật. “Các quy định của pháp luật chồng chéo thì doanh nghiệp là đối tượng chịu nhiều nhất. Một doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định Luật này nhưng lại vi phạm quy định của Luật kia. Doanh nghiệp có đất nhưng khi xin xây dựng nhà máy lại vướng những quy định của Luật Môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng... Các quy định của các Luật này lại xung đột với nhau khiến doanh nghiệp rơi vào mớ bòng bong. Mớ bòng bong đó chính là các điều kiện kinh doanh, không có cách nào khác là doanh nghiệp phải tuân thủ, dẫn đến phát sinh chi phí...”, TS Nguyễn Sỹ Dũng lý giải.

Trí Khang