![]() |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW". |
Tại hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn đã khái quát việc ban hành Nghị quyết 66-NQ/TW là đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước.
Nghị quyết là sự cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết quan trọng của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nghị quyết 66-NQ/TW cũng đặt ra yêu cầu công tác thi hành pháp luật phải đột phá. Pháp luật được thực thi công bằng, nghiêm minh, nhất quán và kịp thời, luôn gắn chặt với quá trình xây dựng pháp luật. Nghị quyết yêu cầu phát huy tinh thần phục vụ nhân dân của công chức, bảo đảm quan điểm “người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm”. Thi hành pháp luật ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời chú trọng các lĩnh vực thiết yếu như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an ninh mạng.
![]() |
Toàn cảnh Hội nghị |
Bên cạnh đó, Nghị quyết 66-NQ/TW chú trọng các giải pháp đột phá về nguồn lực cho công tác pháp luật. Nghị quyết yêu cầu xây dựng chính sách đặc thù, nâng cao đãi ngộ, thu hút chuyên gia pháp lý, nhà khoa học, luật gia giỏi tham gia công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân lực pháp luật, gắn kết với đầu tư vào các viện nghiên cứu chiến lược và tổ chức nghiên cứu chính sách pháp luật.
Về chuyển đổi số, Nghị quyết yêu cầu ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong soạn thảo, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời đưa công nghệ số vào phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý. Nghị quyết đặt ra cơ chế tài chính đặc biệt: chi ngân sách cho xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển, thiết lập Quỹ Hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật minh bạch để khuyến khích xã hội hóa nguồn lực.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng thẳng thắn nêu rõ hiện nay tồn tại không ít những hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới:
Thứ nhất, một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ.
Thứ hai, tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý, chưa chú trọng đúng mức đến thúc đẩy phát triển, chưa tạo động lực đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, chất lượng xây dựng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Việc nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách, đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật còn mang tính hình thức, chưa thực chất; việc tham vấn ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản quy phạm pháp luật chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
Thứ tư, tình trạng quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, không rõ ràng chưa được khắc phục triệt để, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thứ năm, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu. Việc theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật chưa được quan tâm đúng mức; thiếu cơ chế phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; việc thực thi pháp luật còn nhiều hình thức, chưa nghiêm minh, hiệu quả.
Song song với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới:
Trước hết, Nghị quyết khẳng định xây dựng và thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cần được thực hiện dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng.
Một điểm nhấn quan trọng là đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật. Pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng; xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước, ưu tiên bảo đảm quyền con người và quyền công dân.
Đồng thời, Nghị quyết nhấn mạnh phải hoàn thiện quy trình lập pháp minh bạch, chuyên nghiệp và công khai ý kiến đóng góp, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với các luật chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để đạt được các mục tiêu đột phá mà Nghị quyết đề ra đòi hỏi mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương thức lãnh đạo và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách chủ động, sáng tạo, thực chất. Mọi nỗ lực phải hướng đến mục tiêu chung: tạo dựng một nền pháp lý tiên tiến, hiện đại, minh bạch, tạo động lực mạnh mẽ cho khát vọng vươn lên của dân tộc. Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề nhưng cũng hết sức vẻ vang. Mỗi cơ quan, mỗi cá nhân phải biến quyết tâm thành hành động cụ thể: đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, song song với việc thi hành nghiêm minh pháp luật và khuyến khích sáng tạo.
Cần hoàn thành nhiệm vụ trước mắt (khắc phục ngay các vướng mắc pháp luật) và lâu dài (xây dựng thể chế hiện đại, quy chuẩn). Chúng ta tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị cao nhất, cùng sự hưởng ứng, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đứng đầu là Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Nhân dân ta sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, sẵn sàng đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.