Tìm “cửa” cho công nghiệp hỗ trợ

00:00 12/10/2020

Ngành công nghiệp hỗ trợ đang có những cơ hội mới khi luồng vốn cũng như đơn hàng từ các nước có xu hướng chảy vào Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi nói đến cơ hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải vượt qua nhiều thách thức.

Công nghiệp hỗ trợ cần có những lực đẩy mới. Ảnh minh họa

Băn khoăn năng lực cạnh tranh

Những tháng gần đây, CNC Tech, công ty chuyên sản xuất khuôn mẫu chính xác có nhà máy tại Bình Dương và Vĩnh Phúc, liên tục phải chạy hết công suất do đơn hàng tăng đột biến. Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc CNC Tech, cho biết trước kia khách hàng của công ty chủ yếu là các công ty Nhật Bản, giờ đây đơn hàng tăng mạnh từ các thị trường mới như Mỹ, châu Âu. Sự dịch chuyển đơn hàng này, theo ông Hùng, là do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam được cho là một trong những nước sẽ tiếp nhận dòng vốn dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, cũng như những đơn hàng gia công từ quốc gia này. Đây có thể là cơ hội để ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.

Là giám đốc doanh nghiệp có hơn 34 năm hoạt động trong lĩnh vực liên quan tới kết nối thương mại, ông Vũ Trọng Tài, Tổng giám đốc Công ty Reed Tradex Việt Nam, cảm nhận rõ sự phát triển và nhu cầu nhập khẩu máy móc của các doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam đang rất lớn.

“Triển lãm được coi như phong vũ biểu để đo nhiệt độ thị trường cũng như để thăm dò nhu cầu đối với từng loại sản phẩm”, ông Tài nói. “Hơn 11.000 người đã đến triển lãm công nghiệp hỗ trợ chúng tôi vừa tổ chức năm nay, tăng 40% so với sự kiện năm ngoái”.

Ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam gần như bắt đầu từ con số 0 vào những năm 1990, tới nay ngành này đã có những bước tiến. Nhiều công ty đã thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, cho hay dự kiến cuối năm nay số doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung sẽ tăng lên 42, từ 35 doanh nghiệp năm 2018. “Chúng tôi kỳ vọng vào cuối năm 2020 sẽ có 50 doanh nghiệp Việt Nam làm nhà cung ứng cấp 1”, ông Choi Joo Ho nói. “Thời kỳ đầu khi Samsung mới tới Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cung cấp bao bì, in ấn. Giờ đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào nhiều lĩnh vực khác trong chuỗi cung ứng, ví dụ như tự động hóa thiết bị”.

Dù đã đi được một chặng đường đáng kể so với chính mình, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn ở giai đoạn “rất sơ khai”, nhất là khi so sánh với Thái Lan, theo lãnh đạo Reed Tradex Việt Nam. Tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan hiện nay đã đạt khoảng 60-70% so với tỷ lệ chỉ 7-10% của Việt Nam. Các doanh nghiệp quốc gia này gần như có thể cung cấp tất cả linh kiện phục vụ các ngành công nghiệp khác nhau.

Năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn chưa thể kết nối được với khu vực FDI. Việt Nam chủ yếu tham gia vào công đoạn lắp ráp cuối cùng, đòi hỏi nhiều lao động. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao nhưng hàm lượng nhập khẩu cũng cao, giá trị gia tăng thấp. Do đó con số đóng góp ròng vào nền kinh tế của các công ty FDI không cao so với tổng số lượng vốn FDI đổ vào nền kinh tế. Bảng xếp hạng của Việt Nam về chất lượng các nhà cung cấp địa phương trong Chỉ số cạnh tranh toàn cầu cho thấy Việt Nam xếp thứ 109 trong số 138 nền kinh tế, đứng sau Philippines (74), Thái Lan (77) và Malaysia (22), trích báo cáo của Ngân hàng Thế giới.

Ông Michael Greene, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, đơn vị đang phối hợp cùng các cơ quan Việt Nam thực hiện một chương trình nhằm tăng sự kết nối giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam với chuỗi cung ứng toàn cầu, cho rằng ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam và là một bước đệm thúc đẩy kinh tế bền vững và có tính cạnh tranh cao. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện nay có khoảng 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên khắp cả nước nhưng chỉ có 300 doanh nghiệp đang tham gia vào chuỗi cung ứng trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất giá trị gia tăng cao.

“Đây là tỷ lệ tham gia thấp so với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực”, ông Michael Greene nói. “Việt Nam chưa sản xuất và chế tạo đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và các công ty hàng đầu trong chuỗi cung ứng”.

Cách nào tận dụng dòng vốn đang dịch chuyển?

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng thương chiến đã làm thay đổi sự dịch chuyển luồng vốn và hàng hóa. Trong bối cảnh đó, công nghiệp hỗ trợ có thể nắm bắt được sự dịch chuyển này hay không phụ thuộc vào hiệu quả tận dụng nguồn vốn này.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong chín tháng đầu năm 2019, dù tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm gần 20% nhưng tổng vốn thực hiện chín tháng ước tính đạt 14,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, nguồn vốn đang chảy vào qua hình thức mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn là 10,4 tỉ đô la Mỹ, tăng tới 82,3% so với cùng kỳ năm 2018.

“Dòng vốn tăng mạnh thông qua mua cổ phần”, ông Cường nói. “Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp trong nước làm thế nào tận dụng được dòng vốn mới để phát triển công nghiệp hỗ trợ?”.

Để tận dụng được nguồn vốn này, trước tiên các doanh nghiệp cần khắc phục được những điểm yếu hiện nay của mình. Theo ông Michael Greene, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn thấp, ít áp dụng công nghệ, hạn chế về nguồn nhân lực (cả lao động có tay nghề lẫn quản lý có chuyên môn), kinh nghiệm hạn chế khi hợp tác với các công ty lớn, hiểu biết hạn chế về những yêu cầu của chuỗi cung ứng và chưa tiếp cận nguồn vốn đầy đủ.

Nghiên cứu của USAID cho thấy, chìa khóa để các SME Việt Nam có thể tạo ra liên kết kinh doanh với những công ty lớn chính là hiểu rõ các yêu cầu của bên mua và chủ động nắm bắt cơ hội. Yêu cầu của bên mua khá đa dạng, các SME của Việt Nam phải hiểu rõ không chỉ xu hướng toàn cầu mà còn cả yêu cầu cụ thể của bên mua như chất lượng, số lượng, giá thành, tiêu chuẩn, trao đổi dữ liệu, dịch vụ khách hàng, các vấn đề về môi trường, sức khỏe và an toàn, các tiêu chuẩn về lao động và ngôn ngữ.

Ông Nguyễn Minh Cường, cho rằng, ba nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp khó có khả năng tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu là năng lực cạnh tranh thấp, khó tiếp cận nguồn tài chính và tiếp cận thị trường. Hơn nữa, việc thiết lập chuỗi phân phối hạn chế cũng là nguyên nhân quan trọng khiến doanh nghiệp nội khó có khả năng vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài. Ngay cả khi Việt Nam có thể tự sản xuất được một chiếc điện thoại cực kỳ hiện đại cũng khó có thể bán được hàng vì không có chuỗi phân phối.

“Do đó, chiếm lĩnh thị trường trong nước là vấn đề sống còn, đặc biệt khi Việt Nam có thị trường nội địa khổng lồ, với gần 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh”, ông Cường nói. “Tới nay, các nước mới nổi và ngay cả Trung Quốc phát triển được đều phải nhờ thị trường nội địa. Đây là lý do họ bảo vệ thị trường của họ rất mạnh”.

Chuyên gia ADB cho rằng, với nền kinh tế có độ mở như Việt Nam, doanh nghiệp nội ít được bảo vệ và cạnh tranh càng khốc liệt với doanh nghiệp nước ngoài, nếu bỏ rơi thị trường nội địa sẽ khó có cơ hội cho không chỉ ngành công nghiệp hỗ trợ mà nhiều ngành khác phát triển. 

Vũ Dung