Thủy điện nhỏ, nên dừng hay tiếp tục phát triển?

19:30 25/10/2020

Trận “Đại hồng thủy” vừa qua đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho đồng bào miền Trung và tài sản của nhà nước. Trước thảm họa trên, nhiều người đã “đổ tội” cho thủy điện vừa và nhỏ là một trong những “thủ phạm” gây ra lũ lụt, sạt núi, phá hủy công trình giao thông. Vậy, ở nước ta, có nên tiếp phát triển thủy điện nhỏ hay không?

Đây là vấn đề mang tính quyết sách, không dễ gì giải đáp ngay bởi một vài ý kiến cá nhân, kể cả ý kiến của những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này đã được đăng tải trên các báo. Vì vậy, những ý kiến dưới đây của những nhà chuyên môn mà chúng tôi phỏng vấn cũng chỉ là những góc nhìn, mang tính chất tham khảo.

Thủy điện Rào Trăng 3 (thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) bị đổ nát trong trận mưa lũ vừa qua, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và của.

TS. Trần Minh Huân, người từng tham gia lập nhiều dự án điện thuộc Bộ Năng lượng cho rằng, so với các nhà máy sản xuất điện khác, nếu chúng ta đừng quá tham lam thì thủy điện có lẽ ưu việt hơn cả vì vừa có tác dụng phát điện, vừa có tác dụng điều tiết nước. Nhưng từ xây dựng quy hoạch (kể cả thẩm định), thiết kế (có thẩm định), thi công (bao gồm cả giám sát), vận hành đều có bóng dáng “phần trăm” thì sẽ không chỉ thủy điện mà mọi hoạt động kinh tế đều tiềm ẩn nguy cơ có quả bom nổ chậm treo trên đầu người dân.

TS.Trần Minh Huân phân tích, các công trình thủy điện vừa và nhỏ chủ yếu nằm trên các lưu vực sông nhánh hoặc suối với diện tích lưu vực nhỏ, độ dốc lớn nên dung tích hồ chứa rất nhỏ, hiệu quả cắt giảm lũ không đáng kể.

Nước là “đầu vào” của sản xuất nên các công ty thủy điện không "xả lấy xả để". Hơn nữa, các thủy điện vừa và nhỏ không có chức năng điều tiết lũ nên nó xả nhiều nhất đúng bằng lượng nước vào hồ thôi. Hoàn toàn không có lý do để xả thêm. Tuy vậy, các thủy điện có xả kiểu gì thì lượng nước xả luôn ít hơn hoặc bằng lượng nước vào, tức là thủy điện không tạo ra thêm lũ.

Tuy nhiên cũng phải lưu ý, để có nhiều công trình thủy điện điện vừa và nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, Chính phủ thường đề ra các chế độ chính sách ưu tiên đầu tư về vốn, thuế đối với các nhà máy thủy điện xây dựng ở vùng sâu, vùng xa; xem xét giá mua và bán điện một cách hợp lý, bình đẳng giữa các nhà đầu tư, từng bước theo cơ chế thị trường. Vì thế, các doanh nghiệp lao vào làm thủy điện nhỏ vì vốn nhỏ, lãi nhiều nhưng đây lại là lợi bất cập hại, tìm cách dây dưa đền bù cho dân.

Thủy điện công suất nhỏ, nên thẩm quyền phê duyệt thuộc về các địa phương mà ở đấy thường không có chuyên gia chuyên sâu về thủy điện, thủy văn, thiết kế công trình. Ở dự án nhỏ, nhà đầu tư thường cố giảm giá thành để tăng hiệu quả kinh tế. Bởi vậy, theo TS. Trần Minh Huân, nên thu hẹp các thủy điện nhỏ, bởi thủy điện nhỏ có tuổi thọ ngắn, hiệu quả không cao, trong khi rủi ro lại rất lớn.

Trái với ý kiến “dè dặt” của TS. Trần Minh Huân, kĩ sư Địa chất Nguyễn Cảnh Hà, quyết liệt: “Phải dừng ngay việc phát triển thủy điện nhỏ!”. Là kĩ sư được đào tạo về Địa chất Thủy văn- Địa chất công trình, cả đời gắn bó với đoàn Địa chất 155, đi khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, ông Nguyễn Cảnh Hà biết rõ, hơn 20 năm trở lại đây, dư luận kháo nhau: “Làm thủy điện ngon ăn, tội gì không làm!” vì thế họ đua nhau: Nhà nhà làm thuỷ điiện, người người làm thuỷ điện, các công ty chạy đôn chạy đáo để có được một công trình thuỷ điện nào đó. Kĩ sư Nguyễn Cảnh Hà cho biết, cả nước hiện khoảng 340 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, công suất từ 5MW đến dưới 100MW, chưa kể vô vàn thủy điện “cóc”. Chỉ riêng dải đất Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Đắk Nông đã có 150 dự án thủy điện chi chít khắp các dòng sông miền Trung. Suất đầu tư cho 1MW thủy điện khoảng 25 tỷ, chỉ sau 8-10 năm là dự án thu hồi vốn.

Mỗi dự án thủy điện được cấp phép là phải chặt hạ hàng trăm ha rừng, trong đó có cả rừng nguyên sinh, để làm hồ chứa nước, để san ủi mặt bằng, đắp đập xây nhà máy, để làm đường công vụ, làm đường dây tải điện, đường dẫn áp, diện tích ngập khi thuỷ đện tích nước...

Chỉ một dự án thủy điện nhỏ đã phải phá tới 100ha đến 200ha rừng nói gì đến các dự án vừa và lớn khác. Chưa nói tới chiêu trò dưới danh nghĩa làm nhà máy thủy điện nhỏ để thu gỗ quý, chặt phá rừng.

Ai đó nói, hồ thủy điện gây lũ lụt là hoàn toàn oan cho các dự án thủy điện!. Dưới góc độ kỹ thuật, quản lý vận hành, hồ thủy điện chống lũ, chứ không gây ra lũ. Thủy điện không phải là nguyên nhân gây lũ, mà do quy hoạch sai, vận hành sai! Câu hỏi đặt ra là: Lũ do hồ thủy điện xảy ra khi nào? Độ lớn bao nhiêu? Biện pháp khống chế (điều tiết) ra sao? Vấn đề này cần phải được xem xét một cách thận trọng, có căn cứ khoa học để đúc kết ra các bài học cho tương lai lâu dài.

Do quy hoạch, vận hành sai nên các công trình thuỷ điện nhỏ gây ra nhiều tác hại khôn lường mà mà các nhà hoạch định chưa thể nhìn xa hơn hoạc phớt lờ đó là:

1. Các công ty thủy điện xả nước vào các thời điểm phù hợp với các hoạt động của nhà máy chứ không quan tâm đến những ảnh hưởng sẽ có đối với vùng hạ lưu, ví dụ như vào mùa mưa, gây ra ngập lụt nghiêm trọng, mùa khô thì giữ nước để phát điện.

2. Thay đổi dòng chảy của nước là nguyên nhân gây nên xói lở bờ sông, nơi canh tác nông nghiệp của người dân.

3. Chất lượng nước vùng hạ lưu bị giảm sút.

4. Người nông dân không có đủ nước cho các hoạt động nông nghiệp.

5. Đánh bắt cá bị giảm, sạt lở bờ sông và tác động đến nông nghiệp dọc sông, nguồn nước cho sinh hoạt và sức khỏe của người dân.

6. Ở các cửa sông hiện tượng xâm nhập mặn tăng lên.

7. Những thay đổi gây ra các tác động xấu đối với nguồn lợi thủy sản. Một số loài không thể sống sót và sinh kế của các ngư dân bị đe dọa.

8. Những người di dời hầu như phải đối mặt với những khó khăn sau khi tái định cư.

9. Các cộng đồng phải tái định cư trên vùng đất nghèo, không phù hợp với kỹ thuật canh tác truyền thống của họ. Họ phải học phương thức canh tác nông nghiệp khác nhau và sẽ mất nhiều thời gian. Hoặc là quay lại sử dụng các mô hình cũ, không hợp pháp như đốt rừng làm nương rẫy và phá rừng. Ngoài ra, họ quay lại các vùng đất cũ trước đây từng sinh sống ở gần đập để khai thác rừng và sản xuất nông nghiệp. Đây là nguyên nhân của những xung đột giữa những người dân tái định cư và các nhà đầu tư thủy điện, giữa chính quyền và người dân địa phương.

10. Hầu hết những người dân tái định cư không có đủ đất để sản xuất và những khu vực tái định cư đất thường rất xấu hoặc thiếu nước.

11. Nhiều người dân tái định cư bắt buộc phải tìm kiếm việc làm ở bên ngoài. Thường là những công việc thời vụ ở các đồn điền và đòi hỏi nhiều về thể lực, chỉ thích hợp với thanh niên có sức khỏe.

12. Khi những người tái định cư không thể trồng trọt thì họ phải cố gắng tìm việc ở bên ngoài để mua thức ăn. Điều này có nghĩa là một số thành viên của gia đình phải đi xa, thường là các cô gái trẻ đến các thành phố (như các nhà máy ở thành phố Hồ Chí Minh) để làm việc và gửi tiền về hỗ trợ gia đình. Điều này làm phá vỡ cấu trúc gia đình và cũng đặt các cô gái trẻ trước những rủi ro khi ở một mình ở thành phố.

13. Tái định cư bắt buộc gây ra áp lực cho tất cả các thành viên cộng đồng và làm gia tăng các vấn đề xã hội như bạo lực gia đình và cấu trúc cộng đồng bị phá vỡ.

Qua những cứ liệu trên, ông Nguyễn Cảnh Hà đề nghị nhà nước cần xem xét dừng việc phát triển thuỷ điện vừa, nhỏ và thuỷ điện cóc, bởi nó gây thiệt hại khôn lường mà Thuỷ điện Rào Trăng là một bài học quá đắt giá!

Cao Thâm (thực hiện)