Thương mại điện tử 'ăn may' từ Covid-19?

00:00 12/10/2020

Covid-19 được xem là cú hích giúp ngành thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nhưng có lẽ chưa đủ để ngành này "cất cánh" đúng với kỳ vọng.

Theo Báo cáo e- Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD.

Cú hích từ Covid-19

Báo cáo trên dự báo, tốc độ tăng trưởng trung bình năm của giai đoạn 2015 - 2018 là 25% và thị trường đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. Nếu kịch bản này xảy ra, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).

mua-sam-online-3602-1591093018.jpg

Covid-19 tạo ra cú hích nhưng chưa phải là điều kiện đủ để thương mại điện tử phát triển (Ảnh: TL) 

Theo We Are Social và Hootsuite, 66% người dân Việt Nam tiếp cận với internet trong năm nay sẽ trở thành "động cơ" thúc đẩy mảng thương mại điện tử.

Ông Vijay Talwar, Phó Tổng giám đốc kênh bán lẻ của Tiki, nhận định, Việt Nam có dân số trẻ, năng động, với 65 triệu người đang sử dụng thiết bị di động. Tuy nhiên, trong số này tỷ lệ người mua hàng trực tuyến còn rất thấp, tiềm năng phát triển còn rất dồi dào.

Nhưng "cú hích" lớn nhất đối với thương mại điện tử ở Việt Nam trong năm nay không thể không nhắc tới đó là dịch Covid-19. Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), thống kê của các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam cho thấy số lượng người mua hàng và giao dịch tăng mạnh từ đầu năm đến nay.

Trong năm 2020, quy mô thị trường được dự báo tăng mạnh hơn, có thể đạt 13 - 15 tỷ USD. Tác động của Covid-19 không chỉ là một "phép thử" mà còn là một động lực lớn thúc đẩy những điều dự đoán cho tương lai phát triển thị trường thương mại điện tử đến nhanh hơn.

Câu hỏi đặt ra là liệu thương mại điện tử Việt Nam có phát triển trong giai đoạn hậu Covid-19? Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu trên vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Thứ nhất, bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam quý I/2020 do iPrice và SimilarWeb công bố cho thấy, thương mại điện tử tăng trưởng nóng một số mặt hàng chăm sóc sức khỏe vì dịch Covid-19 nhưng đây đều không phải là mặt hàng chủ lực của các sàn.

Thứ hai, các ngành hàng trước đây là "gà đẻ trứng vàng" của thương mại điện tử như thời trang, điện máy thì trong mùa dịch lại chịu ảnh hưởng, sức mua giảm. Trong 3 tháng đầu năm 2020, các website ngành thời trang sụt giảm trung bình 38% lượng truy cập so với trước đây.

Thực tế, vấn nạn hàng giả, hàng nhái rất nhức nhối, đại diện công ty khóa Việt - Tiệp nói rằng, khi internet trở nên thông dụng hơn, họ đã bắt kịp với xu hướng này. Khóa của công ty không chỉ xuất hiện ở kênh phân phối truyền thống mà người tiêu dùng có thể mua sản phẩm Khóa Việt - Tiệp trực tuyến thông qua website, thông qua mạng xã hội Facebook và qua các sàn thương mại điện tử...

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng cho biết, điểm "đau đầu" của công ty là chống trọi với vấn nạn hàng giả, hàng nhái. "Lợi dụng sức tiêu thụ cao, sự ưa chuộng, tin cậy từ khách hàng đã khiến Khóa Việt-Tiệp trở thành mục tiêu bị làm giả trên thị trường, nhất là các dòng khóa tầm trung như khóa tay nắm tròn, khóa tay gạt cửa...", đại diện công ty này cho biết.

Thành công nhờ... giãn cách xã hội

Trước vấn nạn trên, đại diện công ty đề nghị cơ quan chức năng, tổ chức có liên quan đưa ra các quy định, điều kiện để được tham gia vào hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn nữa, đưa ra các chế tài xử phạt thật nặng để làm trong sạch cho thị trường hàng hóa, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng được mua những sản phẩm tốt, sản phẩm chính hãng và nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam phát triển hơn nữa.

Trong khi đó, Ts. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận nguyên nhân khiến thương mại điện tử phát triển nhanh trong quá trình dịch bệnh phải kể đến, đó là nhờ chính sách “cực chẳng đã” khi Việt Nam phải thực hiện chủ trương chống dịch Covid-19 và cách ly biên giới trong nội tại quốc gia và giữa các quốc gia.

“Thành công của thương mại điện tử trong chống dịch là nhờ một nguyên nhân không hề mong muốn, nhờ một chính sách không hề ai muốn có, đó là giãn cách xã hội”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, thương mại điện tử tiến lên không thể nhờ vào sự sợ hãi mà phải phát triển bằng tình yêu, sự gắn bó đoàn kết và sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng.

Ở góc độ sàn thương mại điện tử, ông Trần Ngọc Thái Sơn, đại diện TiKi cũng bày tỏ một số khó khăn nhất định trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam, điển hình là nguồn nhân lực và kiến thức kinh doanh trên thương mại điện tử vẫn còn hạn chế.

Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp đầu tư chi phí vào những khoản không cần thiết hoặc doanh nghiệp không biết đến các chính sách hỗ trợ từ các sàn thương mại điện tử.

Điều này cho thấy, việc phát triển các sàn thương mại điện tử phải đi kèm với việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Ông Võ Trí Thành nhìn nhận, đồng thời nói rằng "tuổi thọ" trung bình của 500 doanh nghiệp tên tuổi nhất thế giới đã giảm từ 60 năm xuống còn 15 năm. Nếu không thay đổi, không thích ứng, không đổi mới, thì ngay các doanh nghiệp tên tuổi cũng có thể "chết yểu". 

Để giải quyết vấn đề hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết, định của pháp luật về mức phạt đối với doanh nghiệp có hàng hóa/sản phẩm có dấu hiệu hàng giả chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, mức phạt theo Luật Thương mại là không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

"Đây là những vấn đề mà chúng tôi cần hoàn thiện khi xây dựng cơ chế chính sách cho quản lý, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới", đại diện Bộ Công Thương khẳng định.

Lê Thúy