Nông sản ngóng chờ đầu tư chế biến sâu

00:00 12/10/2020

Việc đầu tư vào công nghệ chế biến sâu ngày càng đòi hỏi cấp bách hơn bao giờ hết với xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trước những cơ hội lẫn thách thức từ thị trường thế giới.

Là một trong những doanh nghiệp (DN) thuộc khối tư nhân đang có những thành quả nhất định trong việc đầu tư chế biến sâu nông sản, ông Nguyễn Kim Cường, Chủ tịch HĐQT CTCP Ntea Việt Nam, cho rằng câu chuyện thành công của công ty bắt đầu từ nông trại chè ở tỉnh Thái Nguyên.

Tồn tại những nút thắt

“Chúng tôi bắt đầu trồng những cây chè đầu tiên, sau đó đầu tư vào vấn đề nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và chế biến thành phẩm để xuất khẩu (XK)”, ông Cường nói.

Chia sẻ về việc chế biến sâu, vị lãnh đạo DN này cho biết từ nguồn nguyên liệu chính là cây chè, công ty đã chế biến ra rất nhiều loại sản phẩm trà túi lọc, trà matcha, trà nước... Ngoài ra, còn có những nghiên cứu chế biến sâu ra các sản phẩm mới để XK sang thị trường nước ngoài.

Tại hội thảo xúc tiến đầu tư trong công nghiệp chế biến thực phẩm do Bộ Công Thương tổ chức tại Tp.HCM ngày 14/11, ông Cường nhấn mạnh để nâng tầm nông sản Việt, điều đơn giản là người lãnh đạo DN khi kinh doanh phải tâm đắc với công nghệ chế biến sâu.

Có thể nói, như trường hợp DN này, việc đầu tư đúng hướng vào chế biến sâu trong lĩnh vực nông sản của Việt Nam đang có nhiều tiềm năng lớn, không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn đầu tư sản xuất sản phẩm XK đưa sang các nước khác.

Tuy vậy, trên thực tế, ngành chế biến nông lâm thuỷ sản được cho là còn tồn tại những “nút thắt” trong chuỗi giá trị sản xuất. Đặc biệt là năng lực công nghệ chế biến một số ngành hàng còn thấp, chủ yếu là các sản phẩm thô, chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chế biến còn thấp…

Các DN nội trong ngành này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức khi nguyên liệu phục vụ chế biến chưa ổn định, dễ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, năng lực cạnh tranh còn thấp, tiêu thụ nông lâm thuỷ sản Việt quá phụ thuộc vào một số thị trường.

Với góc nhìn của một chuyên gia Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), ông Mathias Ehrmann kể lại việc mua một chai nước ép chanh dây của một nhà chế biến từ Anh Quốc với giá 139.000 đồng (khoảng 6 USD) tại một siêu thị ở Tp.HCM.

Vấn đề mà ông Mathias muốn nói đến là tại sao Việt Nam XK thô trái chanh dây sang Anh với giá khá rẻ, rồi lại nhập khẩu chai nước ép chanh dây với giá trị cao gấp nhiều lần? Vì sao các DN chế biến của Việt Nam lại không làm được như vậy?

Theo lưu ý của vị chuyên gia Eurocham, đây là một ví dụ điển hình về mặt hạn chế trong XK nông sản của Việt Nam. Các DN Việt cần đầu tư máy móc công nghệ cho chế biến sâu để tăng sức cạnh tranh, vì đây là hướng đi đúng.

Trái cây Việt cần đầu tư chế biến sâu, không thể mãi xuất thô

Cấp thiết thay đổi

“Hoạt động chế biến nông sản thực ra không quá đắt đỏ. Điều quan trọng là lãnh đạo DN Việt cần cải thiện dần năng lực chế biến và tầm quan trọng của các hiệp định thương mại tự do (FTA) buộc công nghệ chế biến nông sản Việt phải thay đổi tích cực”, ông Mathias nhấn mạnh.

Còn theo Ts. Frauke Schmitz-Bauerdick, Trưởng đại diện Cục Xúc tiến thương mại và Đầu tư của CHLB Đức tại Việt Nam, việc tăng thêm giá trị sản phẩm nông sản bằng cách chế biến là một xu hướng quan trọng mà ngành công nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong lúc này.

“Tham gia vào công nghệ chế biến sâu càng trở nên quan trọng hơn với những cơ hội mới đang mở ra khi Việt Nam ký kết các FTA thế hệ mới”, Ts. Frauke nói.

Từ góc độ quản lý, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết mục tiêu mà Chính phủ đặt ra từ nay đến năm 2025, rồi đến 2030 là hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản với công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm, với trên 7.500 DN quy mô công nghiệp gắn với XK và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình.

Với mục tiêu 10 năm tới, kim ngạch XK nông lâm thuỷ sản của Việt Nam sẽ đạt 65 - 70 tỷ USD (bằng 200% so với hiện nay), ngành chế biến nông sản, thực phẩm cần đáp ứng được nhu cầu của sản xuất quy mô lớn và trình độ công nghệ đạt trung bình tiên tiến trở lên. Trong đó, hợp tác đầu tư, kinh doanh với các đối tác có công nghệ hiện đại là một giải pháp quan trọng.

Còn theo ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), việc chế biến và nuôi trồng nông lâm thuỷ sản là ngành kinh doanh có đủ điều kiện để nhận ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Chẳng hạn như thuế thu nhập DN vào khoảng 10 - 15%, DN được miễn thuế nhập khẩu đối với tài sản cố định hoặc nguyên liệu và linh kiện không thể sản xuất trong nước và được nhập khẩu phục vụ sản xuất...

Mặt khác, DN còn được miễn tiền thuê đất và thuê mặt nước trong 3 - 15 năm, hoặc cho toàn bộ thời gian dự án khi được thực hiện ở những khu vực kinh tế cực kỳ khó khăn.

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng lưu ý về tình trạng XK thô, chưa có hàm lượng chế biến và giá trị gia tăng cao ở 4 ngành hàng nông sản XK chủ lực (rau quả, hạt điều, lúa gạo, thuỷ hải sản). Dù tổng giá trị XK của 4 nhóm này này năm ngoái đạt hơn 15 tỷ USD, nhưng khả năng kim ngạch XK trong năm 2019 sẽ không cao hơn năm 2018 khi mà những mặt hạn chế vẫn chưa được khắc phục.

Thế Vinh