Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sau hơn 3 năm thi hành: Bộc lộ bất cập, cần xem xét sửa đổi

00:00 12/10/2020

Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015, mở ra một giai đoạn mới trong tiến trình cải cách môi trường kinh doanh, với nhiều quy định mới đã và đang góp phần to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý an toàn, thông thoáng đối với việc thành lập doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Qua hơn 3 năm thi hành, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã nhận được những đánh giá tích cực từ các tổ chức trong và ngoài nước, đồng thời cũng còn những bất cập cần phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của 2 Luật này.

Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư...Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bộc lộ bất cập

Sự ra đời của 2 Luật này đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư thông qua những cải cách trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, tác động tích cực thay đổi tư duy trong quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của nhà đầu tư và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp. Luật đã giải phóng quyền tự do kinh doanh, tối đa hóa quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi, có sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Về thủ tục đăng ký doanh nghiệp đã giảm thời gian, chi phí thực hiện, thể hiện. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đã được đơn giản hóa tối đa. Cơ chế quản lý được chuyển hoàn toàn từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhờ bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, giảm đáng kể thời gian xử lý hồ sơ, chi phí thực hiện thủ tục. Nâng cao cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ công, nhanh gọn, thân thiện và minh bạch. Hệ thống Đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đã được triển khai xây dựng và đưa vào vận hành, đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến, giúp giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp, đồng thời góp phần xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người.

Bên cạnh những mặt tích cực, trong quá trình thi hành cũng đã bộc lộ những bất cập, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của các luật này. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp lần này liên quan đến 75 Điều trên tổng số 289 Điều của 2 Luật. Do đó, cơ quan soạn thảo có thể trình Quốc hội theo hướng biên soạn lại toàn bộ 2 Luật này để có cái nhìn toàn diện, dài hạn, hợp lý, dễ cho việc thực hiện và tra cứu của các doanh nghiệp, cũng như cơ quan quản lý.

Những nội dung cần xem xét sửa đổi

Về chủ thể kinh doanh, trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014 chưa đề cập đến loại hình kinh doanh là hộ kinh doanh. Mặc dù các hộ kinh doanh đã đóng góp 1/3 thu nhập quốc dân hàng năm. Nhưng trong 2 Luật này cũng như các bộ luật khác chưa đề cập đến hộ kinh doanh nên đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét cần có hành lang pháp lý để điều chỉnh đối tượng này theo hướng có thể hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân vì bản chất nó là tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, thường xuyên. Tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định Điều lệ doanh nghiệp phải có nội dung về ngành nghề kinh doanh. Theo thông lệ, các đối tác trước khi ký hợp đồng với nhau sẽ phải xem xét hồ sơ pháp lý lẫn nhau, trong đó có nội dung về ngành nghề kinh doanh. Nếu trước đây, với những giao dịch đơn giản, giá trị thấp thì chỉ cần xem xét Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và yêu cầu đối tác cho kiểm tra thêm Điều lệ công ty ngoài Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Bởi chỉ trong Điều lệ mới thể hiện ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này cũng áp dụng thêm cho cả các cơ quan quản lý nhà nước như thuế, tài nguyên môi trường v.v. Những quy định mới này chưa thể xem là cải cách, chỉ đơn thuần là một sự thay đổi - một sự thay đổi chưa mang lại thuận lợi.

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư bên cạnh những mặt tích cực, trong quá trình thi hành cũng đã bộc lộ những bất cập, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của các luật này. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Luật Doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp có hai loại thủ tục với cơ quan quản lý doanh nghiệp khi có sự thay đổi trong hồ sơ đăng ký kinh doanh. Đó là thủ tục “đăng ký thay đổi” áp dụng cho trường hợp thay đổi 4 nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 31) và thủ tục “thông báo thay đổi” áp dung cho các thay đổi khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (Điều 32). Khá khó hiểu trong việc ban soạn thảo đã dùng hai thuật ngữ “đăng ký thay đổi” và “thông báo thay đổi” cho hai trường hợp khác nhau, nhưng cách xử lý hồ sơ lại giống nhau.

Theo Luật Đầu tư 2014 (tại Phụ lục 4) đối với ngành vàng có 3 danh mục thuộc 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Nhưng theo Luật Đầu tư bổ sung, sửa đổi 2016 thì danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sửa đổi quy định rút gọn từ 3 danh mục nay chỉ còn 1 danh mục là “kinh doanh vàng”. Về hình thức thì Luật bổ sung, sửa đổi 2016 đã rút gọn, từ 3 danh mục còn 1 danh mục tức là giảm 2 danh mục. Nhưng thực chất 1 danh mục này lại bao hàm toàn bộ ngành vàng. Quy định này đã và đang làm cho ngành vàng nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh vàng nói riêng càng gặp nhiều khó khăn do tăng lượng giấy phép, thủ tục hành chính, chi phí doanh nghiệp và cơ hội kinh doanh giảm đi vì phải có thời gian xin phép. Tuy vậy, tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư lần này, cơ quan soạn thảo cũng không đưa vào nội dung sửa đổi danh mục kinh doanh có điều kiện tại phụ lục 4 đối với ngành vàng (Tại danh mục 242). Đối với Luật Đầu tư, đề nghị ban soạn thảo sửa đổi điều kiện kinh doanh với ngành vàng theo hướng việc sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ là sản xuất kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thông thường như tất cả các ngành nghề sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng khác nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, tham gia xuất khẩu như các nước trong khu vực, đây cũng là ngành thu hút nhiều lao động có tay nghề cao, kể cả ở các làng nghề. Việc sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ là sản xuất, lưu thông hàng hóa tiêu dùng cần loại bỏ ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục 4.

Phiếu lí lịch tư pháp là một yêu cầu khi nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Theo đúng tinh thần xây dựng luật, nghĩa là cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp 2005 quy định, thành lập doanh nghiệp mất 10 ngày làm việc. Luật Doanh nghiệp 2014 rút ngắn thời gian đó xuống còn 3 ngày làm việc. Nhưng thời gian cấp Phiếu lý lịch tư pháp mất từ 10-15 ngày. Mặc dù Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định nghiêm cấm cơ quan quản lý gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu người thành lập doanh nghiệp nhưng với cách quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 thì đây chính là một sự cản trở lớn đối với doanh nghiệp. Chúng ta đều biết rằng, với thủ tục hành chính thì văn bản pháp luật cần phải được quy định một cách rõ ràng, chi tiết, khi đó mới mong không phát sinh tiêu cực. Khoản 2 Điều 18 quy định Phiếu lý lịch tư pháp chỉ được đặt ra với cá nhân khi thành lập doanh nghiệp, còn với trường hợp doanh nghiệp thay đổi người quản lý thì không yêu cầu. Trong khi mục đích của Phiếu lí lịch tư pháp là nhằm đưa ra thông tin kiểm chứng cá nhân đó có bị cấm thành lập, điều hành, quản lý doanh nghiệp hay không thì quy định như vậy là đã bỏ sót đối tượng.

Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 thì “Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự,…” không được thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Nếu đối chiếu quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật Doanh nghiệp 2014 với điểm e khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 chúng ta có thể thấy quy định của luật thiếu tính nhất quán. Tại khoản 3 Điều 56 Luật Doanh nghiệp 2014 lại quy định: “Trường hợp cá nhân là thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn bị tạm giam, bị kết án tù hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề theo quy định của Bộ luật Hình sự, thành viên đó ủy quyền cho người khác tham gia Hội đồng thành viên công ty”. Và theo quy định tại khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 thì thành viên công ty trách nhiệm hữu hai thành viên trở lên là người quản lý công ty. Theo hai quy định nêu trên, thì kể cả trong trường hợp một thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bị tạm giam (đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự), bị kết án tù (phải chịu trách nhiệm hình sự) thì họ vẫn không bị tước quyền làm thành viên của công ty mà thành viên đó vẫn giữ được quyền quản lý công ty thông qua cơ chế ủy quyền cho người khác tham gia Hội đồng thành viên. Như vậy, nếu áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật Doanh nghiệp 2014 thì mục đích của việc quy định cấm người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự không được thành lập và quản lý doanh nghiệp tại điểm e khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 không đạt được.

PGS.TS. Ngô Trí Long

Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa:

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, sản xuất, đầu tư các dự án tại địa phương, bên cạnh Luật Đất đai, thì Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn các Luật này cũng đang còn có nhiều bất cập, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều nội dung trong các Luật nêu trên còn mâu thuẫn, vô hình chung tạo kẽ hở, để một số cơ quan, đơn vị ở địa phương gây khó khăn, kéo dài thủ tục hành chính, gia tăng chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan tham mưu cấp tỉnh lợi dụng mâu thuẫn của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, để viện cớ làm văn bản hỏi cơ quan Trung ương, nhằm kéo dài dự án. Văn bản hỏi thì không đến nơi đến chốn, trong khi đơn vị trả lời cũng không hết trách nhiệm, gây nên tình trạng tiêu cực trong xã hội, làm nản lòng các nhà đầu tư chân chính.

Từ thực trạng nêu trên, với trách nhiệm là Uỷ viên BCH Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, chuyên giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cả nước, tôi kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội thành lập bộ phận tiến hành rà soát văn bản Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành 2 Luật này, nhằm thống nhất về nội dung, với mục đích hoàn hiện về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (trong năm 2019), đảm bảo 2 Luật này có hiệu quả thiết thực hơn trong cuộc sống

Ông Minh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hạ Long:

Luật Doanh nghiệp là một bước tiến lớn, đã tạo ra một thay đổi căn bản trong hoàn thiện khung khổ pháp lý về môi trường kinh doanh ở nước ta, góp phần thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng và không phân biệt. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, Luật Doanh nghiệp vẫn còn những vấn đề bất cập, hạn chế cần được nhanh chóng cải thiện. Còn có sự chưa tương thích giữa Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn, thi hành; giữa các văn bản thi hành với nhau; và giữa Luật Doanh nghiệp và các quy định khác. Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Doanh nghiệp còn có những cách hiểu khác nhau trong giải thích và áp dụng. Theo quan điểm của tôi, Luật Doanh nghiệp cần mở rộng hơn nữa, các cơ quan chức năng nên giảm gây áp lực cho doanh nghiệp, các chính sách nên thông thoáng hơn, giảm bớt các thủ tục hành chính, giấy tờ. Còn về cơ bản, đã là doanh nghiệp thì phải có trách nhiệm với xã hội. Khi doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, quản trị doanh nghiệp tốt, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư được bảo vệ… sẽ huy động được nhiều nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh.

Sẽ không còn những băn khoăn, lo ngại nếu Chính phủ và các địa phương xắn tay vào cuộc bằng những hành động, giải pháp cụ thể để thực sự tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch cho mọi thành phần doanh nghiệp. Hy vọng Luật Doanh nghiệp mới tiếp tục “cởi trói” cho doanh nghiệp.

Bà Cao Thị Mỹ Trinh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Natuco (Hệ thống phân phối mỹ phẩm và Spa Natural):

Xã hội phát triển, phát sinh nhiều ngành nghề mới mà chỉ có lao động nữ mới có khả năng làm việc tốt, trong đó có ngành Mỹ phẩm và Spa. Lao động trong ngành này đòi hỏi tình yêu nghề và năng lực nghề nghiệp rất cao. Khi nghề nghiệp đang độ sung sức, chín muồi cũng là lúc người lao động đến tuổi lấy chồng, sinh con. Thời gian nghỉ thai sản hiện tại quá ít để một người mẹ chăm sóc, nuôi con đủ an tâm để trở lại làm việc. Vấn đề tiếp theo là chình sách bảo hiểm chưa tương xứng với những đóng góp mà doanh nghiệp và người lao động đã thực hiện.

Ngành Spa là ngành mang lại nguồn năng lượng, sức khỏe cho người khác bằng sức lao động và tình yêu nghề. Vì liên quan đến sức khỏe, năng lượng cho con người, nên đây là nghề kinh doanh có điều kiện là hoàn toàn đúng. Nhưng không vì thế mà có quá nhiều cơ quan, ban ngành cùng quản lý, kiểm tra hoạt động của một doanh nghiệp. Vì vậy Luật Doanh nghiệp cần quy định rõ ràng giữa kiểm tra và giám sát hoạt động giúp doanh nghiệp tuân thủ, chấp hành tốt các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng danh nghĩa nghề nghiệp để hoạt động trá hình, sai trái ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của nghành nghề kinh doanh. Cũng chính vì có sự lợi dụng danh nghĩa mà doanh nghiệp kinh doanh chân chính ngành Spa, làm đẹp rất khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng trong hoạt động hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Qua nhiều năm kinh nghiệm, tôi thấy rằng, không chỉ riêng doanh nghiệp chúng tôi mà hầu hết các doanh nghiệp Spa có tâm, có tay nghề cao đều không sợ bị canh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, vì mỗi doanh nghiệp đều có thế mạnh riêng. Mình làm tốt chuyên môn, có uy tín với khách hàng là có thị trường và cơ hội phát triển.

Bà Amanda Rasmusesen - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ Amcham Việt Nam: Việt Nam là nước đang phát triển lại có nhiều cơ hội, lợi thế phát triển. Vì vậy Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cần phải phù hợp với thực tế, hướng đến khuyến khích đầu tư, minh bạch và có tính phòng ngừa hơn là “hồi tố” như hiện tại, sẽ ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư.