Giảm thiểu việc doanh nghiệp sa thải hàng nghìn công nhân như thế nào?

00:00 12/10/2020

Trước hiện tượng nhiều doanh nghiệp sa thải hàng nghìn công nhân, đại diện Cục Công nghiệp cho rằng cần hỗ trợ để giảm thiếu các công ty phá sản, ảnh hưởng đến người lao động.

Gần đây, một số công ty gia công trong ngành da giày như PouYuen, Huê Phong, Chí Hùng… cho hàng nghìn công nhân nghỉ việc. Đây đều là những doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn, gây ra lo lắng về vấn đề an sinh xã hội.

Từ lâu, các ngành công nghiệp gia công của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử… thâm dụng nhiều lao động. Hiện tại tình hình kinh doanh đang khó khăn do dịch Covid-19 khiến nguy cơ thiếu đơn hàng ngày càng gia tăng. Khi đó, việc các doanh nghiệp sa thải nhiều công nhân là điều khó tránh khỏi.

Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) về góc nhìn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước trong việc phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp gia công, thâm dụng nhiều lao động.

Các ngành xuất khẩu chủ lực gặp khó

Ông Trương Thanh Hoài cho rằng với tình hình diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới ngày càng phức tạp, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang bị ảnh hưởng.

Với thị trường xuất khẩu, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở châu Âu và Mỹ, các nước này phải áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế đi lại, tụ tập đông người. Việc hạn chế này cùng với tâm lý lo ngại về dịch bệnh, cắt giảm chi tiêu để lo phòng chống dịch dẫn đến nhu cầu mua sắm giảm mạnh.

sa thai cong nhan anh 1

Công nhân tại một nhà máy da giày tại TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn.

“Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ”, ông Hoài chia sẻ. Trong khi đó, năng lực sản xuất của các ngành này vượt xa nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Cục Công nghiệp đánh giá khó khăn về thị trường xuất khẩu sẽ nghiêm trọng hơn so với việc thiếu hụt nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Nếu đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ không có dòng tiền để quay vòng vốn, trang trải chi phí, trả lãi ngân hàng, khấu hao nhà xưởng, trả lương công nhân... do đó sẽ không thể duy trì hoạt động.

Riêng đối với ngành dệt may và da - giày, Cục Công nghiệp cho biết là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu). Các ngành này chỉ tiêu thụ trong nước khoảng 10% giá trị sản lượng sản xuất, 90% còn lại là xuất khẩu.

Cục Công nghiệp cho biết dệt may và da - giày là những ngành tạo việc làm cho nhiều lao động nhất trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (khoảng gần 4 triệu lao động).

Theo ước tính của Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài tại Mỹ và châu Âu, gần như 100% các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, có thể sẽ tác động đến hơn 3/4 số lao động trong các ngành này. Theo thống kê hiện có khoảng 3 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong các ngành dịch vụ liên quan.

Cục Công nghiệp cũng cho biết việc tìm kiếm các thị trường thay thế cũng gặp nhiều vướng mắc và gặp sự cạnh tranh rất lớn từ hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc.

Giảm thiểu số doanh nghiệp bị phá sản

Để giảm thiểu việc các doanh nghiệp sa thải công nhân, ông Trương Thanh Hoài cho rằng cần các ưu tiên chính sách trong ngắn hạn và cả dài hạn.

Trong ngắn hạn, cần bảo đảm duy trì hoạt động của doanh nghiệp và duy trì việc làm, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những đối tượng dễ tổn thương nhất. Theo đó, Chính phủ hỗ trợ về tín dụng, thuế và tài chính nhằm giảm số doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hoặc ngưng hoạt động.

sa thai cong nhan anh 2

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương). Ảnh: Tạp chí Công Thương.

Các biện pháp đó sẽ giúp hạn chế những tác động tiêu cực đến việc làm và các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng, tạo nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư sản xuất sau khi kết thúc dịch bệnh.

Cục Công nghiệp cũng cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ phúc lợi cho người lao động nói riêng và cho người dân nói chung để đảm bảo an sinh xã hội. “Tránh gây ra các bất ổn xã hội do gia tăng tỷ lệ thất nghiệp cũng như giảm mức sống của người dân do tác động của dịch bệnh”, ông Hoài nói.

Cần tiếp tục kéo dài các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng, thuế, tài chính cho các doanh nghiệp công nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa - đến sau khi dịch bệnh kết thúc nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo đảm nguồn lực tài chính để tận dụng các cơ hội thị trường đẩy mạnh đầu tư, phục hồi sản xuất hậu dịch Covid-19.

Về lâu dài, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho rằng cần ổn định kinh tế vĩ mô, có các chính sách kích cầu nền kinh tế hợp lý sau khi dịch bệnh kết thúc. Chính phủ cần có các chính sách kích cầu ở mức hợp lý thông qua các giải pháp về tiền tệ, tài khoá để kích thích tiêu dùng trong nước, tạo động lực cho các ngành sản xuất phục hồi.

Cục Công nghiệp cũng cho rằng cần đa dạng hoá nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất. Duy trì ổn định các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất như cao su, xơ, sợi... để bảo đảm tự chủ nguồn nguyên vật liệu trong nước, thay thế một phần nguồn nhập khẩu.

Song song với đó cần đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, tránh phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc.

Cục Công nghiệp nhấn mạnh cần có các giải pháp tái cơ cấu thị trường cho các ngành sản xuất. Ví dụ như đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ hàng hóa.

Về lâu dài, lãnh đạo Cục Công nghiệp nói cần có các giải pháp chính sách nhằm tái cơ cấu các ngành công nghiệp trong dài hạn. Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với các ngành sản xuất trong nước đã cho thấy rõ điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam là nội lực của các ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài.

Trong khi đó, giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp, dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị, kinh tế, xã hội trong và ngoài nước.

“Trong thời gian tới, cần tập trung tiến hành các giải pháp dài hạn để tăng tính độc lập, tự chủ cho các ngành sản xuất trong nước”, ông Hoài nói.

Hiếu Công