Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí: Lực đẩy từ chính sách

00:00 12/10/2020

Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành cơ khí là các loại chi tiết, linh kiện, cụm linh kiện kim loại cho các ngành hạ nguồn. Tuy nhiên, tại Việt Nam lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn do nguồn lực yếu.

Đa số DN vẫn sử dụng công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu, vì vậy chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của nhà lắp ráp

Thiếu nguồn lực đầu tư

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Thanh Hải - Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương - cho biết, CNHT ngành công nghiệp cơ khí được coi là nền tảng, động lực chính để thúc đẩy ngành công nghiệp “xương sống” này phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) CNHT ngành cơ khí chế tạo ở Việt Nam có số lượng ít và không tập trung. Một số lĩnh vực rất thiếu và yếu như đúc, nhiệt luyện. Hiện cũng không có cơ sở dữ liệu đầy đủ về các DN này để nhà lắp ráp tìm hiểu khi cần.

Hiện tại, về năng lực công nghệ, ngoại trừ số ít DN, đặc biệt là khối FDI được trang bị công nghệ, máy móc hiện đại và hoàn chỉnh, còn lại đa số DN vẫn sử dụng công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu, vì vậy chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của nhà lắp ráp. Mặt khác, hoạt động marketing của các DN cũng rất kém, chủ yếu dựa trên các mối quan hệ lâu dài. Ðiều này làm cho các DN lắp ráp rất khó khăn khi muốn tìm kiếm các DN phụ trợ ngay tại Việt Nam.

Ngành đúc có vị trí, vai trò quan trọng trong ngành CNHT, có thể chiếm từ 40% - 70% giá trị trong chuỗi công nghệ chế tạo các sản phẩm cơ khí. Tuy nhiên, Việt Nam hiện có khoảng 500 DN, cơ sở làm đúc, trong đó chỉ có khoảng 10 DN (phần lớn các DN FDI) có công nghệ hiện đại. Nguyên nhân chủ yếu do việc đầu tư công nghệ, thiết bị cần nguồn vốn lớn.

Gỡ khó từ chính sách

Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam - cho rằng, để nhanh chóng phát triển CNHT ngành cơ khí, cần mở rộng các hình thức vay trung hạn và dài hạn với lãi suất hợp lý, thời gian hoàn trả vốn phù hợp với khả năng thực tế thu hồi của từng dự án, sản phẩm cụ thể và trong giai đoạn nhất định. Tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn cho đầu tư phát triển. Vai trò của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cũng rất quan trọng trong việc hỗ trợ DN có nhu cầu đổi mới công nghệ.

Bên cạnh đó, khuyến khích và thu hút mọi nguồn vốn từ các thành phần kinh tế, ưu đãi và tạo môi trường dễ dàng để tư nhân có thể đầu tư, thành lập các DN sản xuất sản phẩm CNHT ngành cơ khí. Các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế mua sản phẩm CNHT sản xuất tại Việt Nam có thể được ưu tiên xem xét cho vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước. Ngoài ra, các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm CNHT ngành cơ khí chế tạo có nhu cầu vay vốn nước ngoài có thể được Chính phủ xem xét bảo lãnh vốn vay cho từng trường hợp cụ thể. Nhà nước có thể dành một phần nguồn vốn ODA cho ngành cơ khí và có chính sách thu hút, hướng nguồn vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực CNHT ngành cơ khí.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) - cho rằng, muốn CNHT ngành cơ khí phát triển, cần xây dựng các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ; quy hoạch, tạo điều kiện và có chế độ ưu đãi cho các DN cơ khí được vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với chi phí hợp lý. Ngoài ra, cũng cần công khai danh mục sản phẩm mà các DN FDI có nhu cầu, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí chi đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật kỹ sư, kỹ thuật viên các DN sản xuất sản phẩm CNHT…

Theo Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035, mục tiêu đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Quỳnh Nga