Chưa nên kỳ vọng vào làn sóng chuyển dịch FDI 2020

00:00 12/10/2020

hành công của Việt Nam trong kiểm soát đại dịch Covid-19 và những chính sách tích cực nhằm khôi phục kinh tế đang giúp Việt Nam gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế, thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn kinh tế lớn toàn cầu. Tuy nhiên, những yếu tố nêu trên chỉ là lợi thế của Việt Nam trong thu hút FDI, còn những kỳ vọng về một làn sóng dịch chuyển luồng vốn này vào Việt Nam từ năm 2019 tới nay chưa diễn ra trên thực tế.

chua nen ky vong vao lan song chuyen dich fdi 2020

Việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, mặt bằng nhà xưởng có thể khiến các DN Việt thu hút được các nhà sản xuất nước ngoài.    Ảnh: ST

Thu hút FDI chưa đột phá

Theo Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/6/2020, Việt Nam thu hút được 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có 1.418 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký đạt gần 8,5 tỷ USD. Về vốn điều chỉnh, có 526 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,7 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ. Khoảng 3,5 tỷ USD còn lại từ góp vốn, mua cổ phần, tổng giá trị vốn góp 3,51 tỷ USD, bằng 43,2% so với cùng kỳ. 

Dự án FDI lớn nhất đến thời điểm này là dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore) có vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD, chiếm 47,4% tổng vốn đăng ký mới. Bên cạnh đó, Dự án Tổ hợp hoá dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ USD… 

Một số dự án điển hình trong 6 tháng đầu năm nay là Dự án Nhà máy dệt kim tại khu công nghiệp Texhong (Hồng Kông), vốn đầu tư 214 triệu USD với mục tiêu sản xuất vải dệt kim tại Quảng Ninh; Dự án Nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam (Trung Quốc), vốn đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu sản xuất bản mạch điện tử thiết bị đeo được tại Hải Phòng... 

Như vậy, thực tế đến thời điểm này, dòng vốn FDI vào Việt Nam chưa có gì đột phá như kỳ vọng, nếu chưa tính đến yếu tố sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như xu hướng suy giảm đầu tư trên toàn cầu.

Trên thực tế, từ năm 2018, xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI đến khu vực Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã manh nha. Tuy nhiên, theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê), việc Việt Nam hưởng lợi đầu tư từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 là có khả năng, nhưng cần có thời gian quan sát, phân tích số liệu trong thực tế và đánh giá tác động cụ thể. 

“Các DN FDI ở Việt Nam đang được hưởng lợi rất lớn từ nhiều chính sách thu hút đầu tư như thuế, đất đai, nguồn nhân lực giá rẻ… nhưng nhiều quốc gia láng giềng như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan cũng có lợi thế như Việt Nam, do đó, bên cạnh Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn khác”, ông Phạm Đình Thúy nói. 

Đại diện Tổng cục Thống kê cũng nhấn mạnh, trên thực tế việc chuyển hướng đầu tư từ quốc gia này sang quốc gia khác không hề đơn giản, theo đó, nhà đầu tư sẽ phải xem xét, cân nhắc chi phí chuyển giao tài sản, kể cả những ưu đãi được hưởng ở quốc gia sẽ đầu tư. “Đặc biệt, với các DN sản xuất, quá trình chuyển dịch vốn có thể mất từ  2 đến 5 năm do các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được hoàn thiện”, ông Phạm Đình Thúy nhấn mạnh.

Chưa có làn sóng dịch chuyển trong 2020?

Về vấn đề này, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cũng có cùng quan điểm. Theo chuyên gia này, với lợi thế sớm kiểm soát thành công dịch Covid-19, nhiều người cho rằng tới đây vốn FDI có thể sẽ chảy vào Việt Nam, tuy nhiên, mọi thứ không dễ dàng như vậy. 

Theo ông Thắng, cách đây vài năm, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, chúng ta đã bắt đầu nói tới sự chuyển dịch vốn FDI, đây là xu hướng chuyển dịch toàn cầu, trong đó có một phần từ Trung Quốc sang. Tuy nhiên, thực tế diễn ra không phải như vậy, bởi việc chuyển dịch cả một nhà máy, dây chuyền sản xuất là không dễ dàng. Sau dịch Covid-19, tình hình thị trường mỗi nước đều thay đổi, theo đó, nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc sẽ tự lựa chọn, sẽ giảm bớt đầu tư ở Trung Quốc và chuyển dần sang các hướng khác, trong đó có Việt Nam. Do đó, không thể chắc chắn về việc dòng vốn từ Trung Quốc sẽ sang Việt Nam ngay trong năm 2020.

Phân tích về sự cạnh tranh trong đón sóng dịch chuyển FDI với các “đối thủ” để thấy đón được dòng vốn này không đơn giản, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho biết, trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan, Malaysia là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trong thu hút vốn nước ngoài, thậm chí là Myanmar cũng có sức hấp dẫn riêng. Indonesia cũng có lợi thế về thị trường và có  đường hướng thu hút FDI rõ ràng. Chưa kể,  tại châu Á, Ấn Độ với lợi thế về dân số lên đến 1,3 tỷ dân, chất lượng lao động cao, là quốc gia có sức hút FDI rất mạnh. Với Việt Nam, ông Toàn cho biết, Việt Nam đang có lợi thế nhờ việc khống chế và bước ra khỏi dịch Covid-19 từ rất sớm. Doanh nghiệp FDI cũng nhìn nhận Việt Nam như một nền kinh tế ổn định, có sức chống chịu cao, nhân lực của Việt Nam đã được cải thiện nhiều qua thời gian... 

Dưới góc độ DN, nói về cơ hội đón được dòng đầu tư của các tập đoàn nước ngoài, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse cho rằng, việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, mặt bằng nhà xưởng có thể khiến các DN Việt thu hút được các nhà sản xuất nước ngoài. Nếu hài lòng về cơ sở hạ tầng, nhà đầu tư FDI sẵn sàng chuyển 1-2 dây chuyền sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế hoặc tránh dịch. Tuy nhiên, đại diện Sunhouse nhấn mạnh, việc mở thêm các nhà máy ở Việt Nam là điều khó, trong khi đó, cái dễ nhất mà Việt Nam có thể đón chính là dịch chuyển đơn hàng sang sản xuất ở Việt Nam. “Ngay cả khi các DN FDI chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam, các DN Việt cũng cần có sự chuẩn bị cho tương lai làm chủ về công nghệ, làm chủ dây chuyền sản xuất, nếu không, Việt Nam rốt cục cũng chỉ là nơi né thuế của DN FDI”, ông Nguyễn Xuân Phú lưu ý.

Các chuyên gia cho rằng, để đón dòng đầu tư dịch chuyển trong thời gian tới, ngay từ bây giờ Việt Nam cần chuẩn bị các yếu tố về đất đai, nhà xưởng, thủ tục hành chính đơn giản hóa, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực tiếp nhận công nghệ của các DN Việt... Các nhà quản lý, nhà chức trách cũng tạo điều kiện giúp đỡ các DN Việt vượt qua những rào cản để có thể đón được làn sóng sản xuất và trở thành nhà sản xuất cho thế giới, từ đó làm chủ được những công nghệ của nước ngoài. 

Hoài Anh