Bùng phát dịch COVID-19 tại Đà Nẵng: Ngành du lịch đối mặt với bức tranh ảm đạm

00:00 12/10/2020

99 ngày không xuất hiện ca lây nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng kết thúc với thông tin gây sốc tại Đà Nẵng. Từ chỗ là quốc gia hàng đầu trong việc cho phép mở cửa sớm đón khách du lịch quốc tế, tình trạng dịch bệnh lại một lần nữa đẩy ngành du lịch Việt Nam vào nguy cơ tái khủng hoảng. Số phận các doanh nghiệp du lịch, vốn đã rất khó khăn, chưa biết sẽ ra sao.

 Giá “ổ dịch” mới tại Đà Nẵng không xuất hiện...

Ngành du lịch Việt Nam chắc chắn có thể tạm thở phào chứng kiến những nỗ lực kích cầu của mình phát huy tác dụng. Từ đầu tháng 06 đến cuối tháng 07/2020, báo chí, mạng xã hội đã tràn ngập hình ảnh những bãi biển trải dài từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đông nghẹt người. Các khách sạn, resort và dịch vụ du lịch kéo theo rơi vào tình trạng quá tải, do nhu cầu sử dụng của du khách quá lớn. 

Hình tượng hơn, chúng ta có thể dẫn chiếu các số liệu từ khảo sát của Google với một số thị trường về nhu cầu du lịch nội địa. Tại Việt Nam, hơn 25% người phản hồi cho biết có kế hoạch đi du lịch trong 03 tháng tiếp theo. Mong muốn thực hiện các chuyến du lịch quốc tế của người Việt cũng cao gấp 1,5 lần so với Australia, Singapore và Nhật Bản (các quốc gia được Google khảo sát). Những từ khoá tìm kiếm bởi người dùng trên Google Tìm kiếm cho thấy tín hiệu lạc quan cho ngành du lịch tại Việt Nam sau khi ngừng giãn cách xã hội cách ly tại nhà vào cuối tháng 4, và trong tháng 6, lượng tìm kiếm về du lịch gấp đôi so với tháng 03. Các địa điểm quốc nội được du khách tìm kiếm thông tin cũng trải dài từ Bắc vào Nam, với Đà Nẵng, Hà Nội, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Khánh Hoà, Hải Phòng, Yên Bái, Phú Thọ.

Cùng với những tín hiệu tích cực của thị trường, một số công ty lữ hành cũng đạt được nhiều bước tiến khả quan trong việc củng cố, chuyển dịch kinh doanh. F5 Travel – một công ty lữ hành dẫn đầu thị trường về khách Đài Loan – từng đối mặt với hàng loạt khó khăn trong dịch COVID-19. Anh Lê Danh Hiệp – Điều hành inboud F5 Việt Nam chia sẻ: “Đường bay quốc tế bị đóng cửa. Lượng khách quốc tế của F5 đột ngột bị chặn khiến cán bộ công ty không có việc làm, công ty không có doanh thu”. Trong bối cảnh đó, F5 Việt Nam – cũng giống như nhiều công ty du lịch khác – đã phải khẩn trương dịch chuyển cơ cấu kinh doanh. Ngay tại thời điểm lệnh Giãn cách xã hội kết thúc, đất nước bước sang giai đoạn bình thường mới, gần 100 cán bộ, điều hành F5 Travel đã tập trung thúc đẩy hàng loạt gói sản phẩm du lịch nội địa hấp dẫn như: Combo nghỉ dưỡng Resort, trải nghiệm du thuyền 5 sao và hàng loạt ưu đãi sản phẩm du lịch khác.

Song hành hỗ trợ các doanh nghiệp, Tổng cục Du lịch cũng phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Trong bối cảnh dịch bệnh được khống chế tốt, Tổng cục Du lịch dự báo lượng khách nội địa trong năm 2020 có thể đạt 60-65 triệu/lượt. Nếu đường bay quốc tế được mở, ngành du lịch phấn đấu đón 20,5 triệu khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa. Chỉ tiêu thấp nhưng ít nhiều có thể giúp tăng thêm hy vọng hồi phục với ngành Công nghiệp không khói, được xem là mũi nhọn mới của nền kinh tế đất nước. Đồng thời, cứu hàng ngàn doanh nghiệp lữ hành; các công ty dịch vụ phụ trợ khỏi cảnh lao đao do không có nguồn thu bù đắp chi phí.

Đối mặt khủng hoảng “kép”

Những ngày này, hiện trạng hoạt động kinh doanh của các công ty lữ hành; các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phụ trợ như nhà hàng, khách sạn, logistic... đều hết sức ảm đạm. Tại Đà Nẵng, cùng thời điểm công bố hàng chục ca nhiễm COVID-19 và thực hiện Giãn cách xã hội, một khách sạn hạng sang trên địa bàn đã công bố khoản lỗ ròng sau nửa đầu năm 2020 lên tới 149 tỷ đồng. Tại thị trường Hà Nội và TP.HCM, do phụ thuộc vào nguồn khách du lịch quốc tế, hệ thống các khách sạn lưu trú đều sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng “kép”: Tiếp tục đóng cửa (vì không có khách) và bù lỗ chi phí phát sinh.

Dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng đã khiến ngành du lịch tại đây đình đốn

Theo thống kê của Savills, tại Hà Nội, lượng khách quốc tế đã giảm...98%. Cho đến trước thời điểm bùng phát dịch tại Đà Nẵng, nhiều khách sạn vẫn chưa thể dỡ biển đóng cửa. Tại TP.HCM, các khách sạn 5 sao hầu hết đã giảm giá phòng 25-30% nhưng vẫn trống phòng. Giờ đây, khi dịch COVID-19 một lần nữa bùng phát, hoạt động kinh doanh nửa cuối năm chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn nữa.

Tình trạng của các công ty lữ hành còn thê thảm hơn. Vừa tạm phục hồi kinh doanh một thời gian ngắn, các công ty lữ hành lại phải hứng chịu “cơn bão” hủy tour, bỏ dịch vụ. Đại diện Viettravel cho biết, sau khi xuất hiện thông tin dịch COVID-19, chỉ tính từ 26/07 đến 31/07 đã có 4.500 khách (tương đương 110 đoàn) hủy tour đến Đà Nẵng. Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cũng phải tiến hành chuyển lịch trình cho gần 3.000 khách sau khi Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội. Chi phí cho việc hoàn, hủy vé máy bay; chuyển tour và các dịch vụ liên quan đều gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho các doanh nghiệp (mặc dù các công ty đều được hầu hết khách hàng chia sẻ). Theo Tổng cục Du lịch, hiện các doanh nghiệp lữ hành vẫn đang tiếp tục thống kê và tìm phương án sau khi tour đến Đà Nẵng phải tạm ngừng. Không chỉ công ty du lịch, nhiều gia đình đã đặt vé máy bay, khách sạn đến Đà Nẵng trong dịp hè này cũng bị xáo trộn, ảnh hưởng do tác động của dịch COVID-19 tại địa phương này.

Vietravel chứng kiến 4.500 khách hủy tour chỉ trong vài ngày.

Trao đổi với PV, anh Lê Danh Hiệp (PGĐ Công ty lữ hành Silk Road Travel) cho biết: “Trước mắt, chúng tôi ưu tiên xử lý cho các khách hàng đã đặt dịch vụ, tour. Việc này có thể gây ra thiệt hại tài chính nhưng đó chưa phải vấn đề các công ty lữ hành lo lắng nhất. Cuộc khủng hoảng “kép” xảy ra sẽ là việc các đường bay quốc tế tiếp tục bị “đóng băng”. Đồng thời, tâm lý của khách nội địa cũng bị ảnh hưởng nặng nề, khi thông tin về dịch COVID-19 xuất phát từ Đà Nẵng hiện đang rất phức tạp”.

Anh Hiệp cũng thừa nhận sẽ phải thực hiện phương án tạm thời đóng cửa công ty sau khi giải quyết các vấn đề phát sinh cho khách hoàn, hủy tour do dịch bùng phát tại Đà Nẵng. “Rất khó để những doanh nghiệp du lịch quy mô nhỏ và vừa trụ được trong bối cảnh này. Dịch bệnh mới bùng phát và chưa biết khi nào mới được kiểm soát toàn diện. Trong khi đó, nếu tiếp tục duy trì hoạt động tại văn phòng thì các chi phí phát sinh sẽ không có doanh thu bù đắp”.

Chung nỗi lo trên, chị Nguyễn Thị Tuyết Lan (GĐ công ty lữ hành Indochina Travel) cũng cho biết: “Dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng là cú sốc thực sự. Doanh nghiệp đang cố gắng tốt nhất để vận hành, nếu như dịch quay lại chắc chắn sẽ là bài toán vô cùng khó khăn cho các công ty làm du lịch”.

Hàng ngàn khách du lịch đã hủy tour đến Đà Nẵng

“Giải cứu” hay “tự ứng phó”?

Vào thời điểm này, “nguy cấp” có lẽ là mô tả chính xác nhất về tình hình của các doanh nghiệp lữ hành, các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến du lịch như logistic, nhà hàng, khách sạn... Việc không ai dự đoán được diễn biến tiếp theo của đợt bùng phát dịch thứ hai tại Đà Nẵng, cũng đồng nghĩa ngành du lịch không thể chắc chắn cho mọi kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo. Các hoạt động hiện nay như chuyển tour, hoàn – hủy vé, thậm chí tạm đóng cửa nhà hàng – khách sạn, công ty du lịch chỉ là giải pháp ứng phó tình thế. Một lãnh đạo công ty lữ hành lớn cảnh báo: “Hàng nghìn doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng dịch vụ phụ trợ sẽ “chết hẳn” chỉ trong vài tháng ngắn ngủi sắp tới nếu không có sự hỗ trợ”.

Một khảo sát của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) về tình hình hoạt động của các DN du lịch, lữ hành cho thấy: Cứ mỗi ngày có trung bình 10 doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải đóng cửa. Việc hỗ trợ từ các cơ quan hữu trách chắc chắn là rất cần thiết để “giải cứu” các doanh nghiệp có nội lực, còn đang tiếp tục bám trụ hoạt động. Nhưng điều ai cũng thấy là nguồn hỗ trợ của Nhà nước chỉ có giới hạn và các doanh nghiệp lữ hành không thể trụ vững nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Theo đó, các DN du lịch cần chủ động sắp xếp lại lao động, rà soát, cắt giảm tối đa các chi phí để duy trì hoạt động, cho nhân viên nghỉ phép hoặc nghỉ không lương trong một khoảng thời gian để chung tay cùng DN. DN du lịch nên hướng đến đối tượng khách hàng nội địa nhiều hơn trong thời điểm này vì hiện tại dịch bệnh tại các nước trên thế giới vẫn hết sức phức tạp nên việc hạn chế du khách nước ngoài nhập cảnh để đảm bảo an toàn là cần thiết.

PGS, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) đánh giá: “Vào thời điểm này, sự linh hoạt để tự ứng phó là “chìa khóa” tồn tại cho các doanh nghiệp lữ hành”. Theo ông, Nhà nước không thể cứu toàn bộ doanh nghiệp, khi thị trường “đóng băng”. Nguồn hỗ trợ chỉ phát huy tác dụng khi các hoạt động du lịch thực tế được nối lại. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, việc các doanh nghiệp phải tự cơ cấu, điều chỉnh quy mô hoạt động, nhân sự là điều bắt buộc. Thậm chí trong một số trường hợp, các doanh nghiệp lữ hành có thể lựa chọn giải pháp tạm thời đóng cửa để tiết giảm các chi phí hoạt động cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát triệt để. 

Chia sẻ quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho rằng: Đây là thời điểm các doanh nghiệp lữ hành cần triệt để cơ cấu doanh nghiệp theo hướng năng động, tiết kiệm, hiệu quả. “Việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tại chỗ cho nhân viên, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát là những việc làm mà doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là những doanh nghiệp, những bộ phận có tiếp xúc trực tiếp với khách hàng cần làm ngay và thường xuyên”, bà Hương nhấn mạnh.

 Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch

Du lịch Đà Nẵng khẩn trương ứng phó với dịch COVID-19

Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho biết, để phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch và nhân viên ngay sau khi có ca nghi nhiễm dịch COVID-19 tại thành phố, Sở Du lịch Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể như: trang bị khẩu trang và nước sát khuẩn tại cơ sở dịch vụ cho nhân viên và khách du lịch sử dụng; đeo khẩu trang khi tiếp xúc khách, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, không tập trung đông người, khử trùng thường xuyên đồ sinh hoạt phục vụ khách và các vật dụng công cộng. Các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn phải theo dõi sức khỏe của nhân viên, khách sử dụng dịch vụ và cung cấp ngay thông tin cho cơ sở y tế địa phương khi phát hiện các dấu hiệu bị sốt, ho, khó thở; hỗ trợ khách lưu trú hủy hoặc chuyển đổi đặt phòng vào thời gian phù hợp khi khách yêu cầu… Ngoài các biện pháp triển khai phòng, chống dịch chung, các cơ sở lưu trú du lịch phải thực hiện đo thân nhiệt cho khách trước khi vào lưu trú, đề nghị khách khai báo thông tin lịch trình, nhất là đối với khách quốc tế.

Đức Anh