Sự việc này vừa bùng phát trong hai ngày qua, khi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng thông tin tổ chức bình chọn logo biểu trưng cho thành phố mới sau sáp nhập. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa địa phương cho biết họ rất bất ngờ trước vấn đề này, do không hề có khảo sát nào trước đó.
Lựa chọn gấp gáp?
Nghệ sĩ Nhân dân Huỳnh Hùng - Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng (cũ) phát biểu, ông bất ngờ khi thấy Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng tổ chức cuộc bầu chọn logo của thành phố Đà Nẵng mới chỉ trong một tuần ngắn ngủi giữa tháng 7/2025. Cuộc bầu chọn này đưa ra 4 mẫu logo để lấy ý kiến nhân dân, song cả 4 đều tương tự nhau, nhất là chưa hề có một cuộc khảo sát, hay tổ chức thi ý tưởng thiết kế nào trước cả.
![]() |
4 mẫu logo biểu trưng được thành phố Đà Nẵng đưa ra bầu chọn mới. Ảnh tư liệu. |
Theo ông Huỳnh Hùng, việc đưa ra logo mới cho thành phố Đà Nẵng sau khi hợp nhất với Quảng Nam là cần thiết, giúp nhận diện vùng địa danh mới, đánh dấu bước ngoặc phát triển lịch sử cho quê hương Quảng Nam Đà Nẵng. Nhưng tiến độ tổ chức lựa chọn này, đặc biệt là cách thức triển khai cho thấy có sự gấp gáp vội vàng không cần thiết.
Một số nhà nghiên cứu văn hóa địa phương tại Quảng Nam cũng lên tiếng về động thái chọn logo mới mà chính quyền thành phố Đà Nẵng đưa ra. Theo họ, không có gì phải vội vã trong việc thu thập ý kiến, lấy ý tưởng từ các trí sĩ, trí thức địa phương, thậm chí là cả nước, về việc thiết kế một biểu trưng có giá trị đại diện địa danh.
Ông Nguyễn Sự - Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An - cho biết, trước đây, để có được biểu trưng cho phố cổ này, chính quyền đã phải tập trung ý kiến, thỉnh thị nhiều góp ý từ các nhà văn hóa, suốt hơn 5 năm trời mới đưa ra được. Hà Nội cũng đã mất 2 năm, với 3 đợt thi thiết kế logo có hàng trăm tác phẩm tham dự, thẩm tra ý kiến nhân dân, cuối cùng mới chọn được biểu trưng Khuê Văn Các đại diện cho vùng Thủ đô. Rõ ràng những động thái đó, cho thấy sự lựa chọn hình ảnh đại diện vùng đất không nên đơn giản hóa, càng không thể là sự vội vàng, chủ quan.
Theo dư luận phản ảnh, những ý kiến, nhận xét từ các nhà hoạt động văn hóa và từng tham gia quản lý địa phương như vậy đã đại diện cho những tâm tư, suy nghĩ cộng đồng, trước động thái ra quyết định tổ chức lựa chọn logo của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Dư luận kiến nghị địa phương nên dừng sự việc bình chọn lại, để xây dựng, đưa ra một quy trình khoa học, chặt chẽ hơn, dành thời gian nghiêm túc cho việc lấy ý kiến của giới nghiên cứu, học thuật và đông đảo người dân. Tốt nhất là thành phố Đà Nẵng nên tổ chức một cuộc thi thiết kế, mời gọi nhiều nhân sĩ trí thức tham gia, không chỉ gói gọn trong một địa phương, mà cần lan tỏa thông tin, chọn lọc từ nhiều nguồn thiết kế và ý tưởng, nhất định không thể vội vàng đưa ra logo không hoàn chỉnh.
![]() |
Logo thành phố Đà Nẵng cũ |
Cần những cân nhắc rõ ràng
Theo ông Huỳnh Hùng, việc tổ chức bình chọn 4 mẫu logo khá giống nhau, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, là sự vội vàng; song nghiêm trọng hơn, việc thiết kế, xây dựng những logo này cũng chưa đạt các tiêu chí về biểu trưng đại diện thỏa đáng cho thành phố Đà Nẵng mới.
Ông Huỳnh Hùng đề cập, một biểu trưng không nhất thiết phải là một bức tranh, mà chỉ nên là ký hiệu đồ họa, một hình tượng tiêu biểu được cách điệu để truyền đạt đầy đủ thông điệp cốt lõi. Vấn đề là chính quyền địa phương đã thu thập đủ các ý tưởng xây dựng nên thông điệp cốt lõi đó hay chưa.
Với 4 mẫu logo được Đà Nẵng đưa ra, nhiều ý kiến phát biểu đều không hài lòng, cho rằng “người thiết kế đã nhồi nhét quá nhiều thông tin, biểu tượng vào một logo, sinh ra rườm rà, rối rắm”. Nhìn vào các mẫu logo này, người dân đều nhận thấy sự dồn nén, thâu nạp các biểu tượng địa danh, danh thắng xứ Quảng, như chùa Cầu, tháp Mỹ Sơn, sông Hàn, Ngũ Hành Sơn… khiến logo bị phức tạp hóa, thậm chí tối nghĩa.
“Sức mạnh của một logo nằm ở khả năng gợi mở và tính biểu tượng, chứ không phải ở việc liệt kê các danh lam thắng cảnh, các di sản. Một logo thành công phải tinh giản, độc đáo và có khả năng ứng dụng linh hoạt trên nhiều chất liệu, kích thước khác nhau”, ông Huỳnh Hùng nhận xét.
![]() |
Thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập cần có biểu tượng logo mới phù hợp hơn |
Nhiều người cho rằng, việc Đà Nẵng đưa hình ảnh cầu Rồng vào logo là rất khiên cưỡng, bởi từ trước đến nay, hình tượng rồng không hề gắn liền với xứ Quảng. Vùng đất Quảng Nam xưa, từng nổi tiếng với những danh xưng “Ngũ Phụng tề phi”, chứ không có danh nhân nào liên quan đến ý đồ vương bá triều chính. Chiếc cầu Rồng, xây dựng 13 năm trước, được thiết kế cũng chỉ trong một giai đoạn rất ngắn của Đà Nẵng hoàn thiện đô thị hóa, giải đáp phần nào ước mơ phát triển thành phố này, hoàn toàn không có liên quan gì đến các ý tưởng về biểu tượng con Rồng trong văn hóa Đông phương.
Những kiến nghị, đề xuất từ đông đảo người dân và các nhà nghiên cứu văn hóa như vậy, đang đòi hỏi chính quyền thành phố Đà Nẵng nhanh chóng có động thái trả lời, hồi đáp những bức xúc về dư luận quanh biểu trưng logo. Đặc biệt, đây đang là thời điểm hết sức nhạy cảm của hoạt động chính trị xã hội các địa phương, câu chuyện thiết kế logo biểu trưng mới cũng là vấn đề mà nhiều tỉnh thành cả nước đang cùng nghĩ đến.
Tháng 7 cũng là giai đoạn có nhiều biến động chính trị xã hội, công cuộc sắp xếp, cấu trúc lại bộ máy hành chính các cấp, các địa phương đang vào giai đoạn khẩn trương. Tất cả yêu cầu lãnh đạo chính quyền Đà Nẵng sớm có quyết định rõ ràng về sự kiện bình chọn biểu trưng thành phố.