Bài 4: Thanh Hóa: Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân đã nhận thức sâu sắc về Đảng

10:08 14/10/2020

Để làm rõ hơn việc triển khai Nghị quyết số 10 -NQ/TU về “Phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025” (gọi tắt là Nghị quyết 10) do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có cuộc phỏng vấn bà Phạm Thị Thanh Thủy- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa về vấn đề này.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa

PV: Xin bà cho biết kết quả xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp sau 2 năm triển khai Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa?

Bà Phạm Thị Thanh Thủy: Ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt triển khai đến cán bộ chủ chốt trong toàn Đảng bộ và chỉ đạo các TCCS Đảng, các Đảng bộ trực thuộc, các đoàn thể chính trị xã hội trong toàn tỉnh triển khai đến cán bộ, đảng viên, hội viên, công nhân lao động tại các doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, doanh nghiệp. Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Cựu chiến binh, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp rà soát công tác phát triển Đảng, nhất là trong thanh niên, đoàn viên Công đoàn, để làm tốt nhiệm vụ phát triển đoàn viên, hội viên trong doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ cốt cán trong công nhân và bồi dưỡng họ trở thành những nhân tố tích cực, làm nòng cốt để tuyên truyền, vận động, phát triển đảng viên.

Thông qua việc chỉ đạo, lãnh đạo thành lập các TCCS Đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp, đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, tư tưởng đội ngũ cán bộ đảng viên, công nhân lao động trong doanh nghiệp, đặc biệt là chủ doanh nghiệp. Nhiều đảng viên là chủ doanh nghiệp, nhiều tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò, vị trí, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Thực hiện tốt việc tập hợp, động viên cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động chấp hành pháp luật và nội quy, quy định của doanh nghiệp, yên tâm lao động sản xuất; góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống. Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân đã có nhận thức đúng đắn về Đảng, tự giác phấn đấu và được kết nạp vào Đảng. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 10, khối Doanh nghiệp đã kết nạp mới được 564 đảng viên, thành lập mới được 12 TCCS Đảng, trong đó có 05 Đảng bộ và 07 Chi bộ. Tổng số TCCS Đảng trong doanh nghiệp đến thời điểm hiện nay là 86 đơn vị, với 5.826 đảng viên.

Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp, Đảng bộ Khu Kinh tế Nghị Sơn và các Khu công nghiệp…đã quán triệt và triển khai đưa Nghị quyết 10 vào cuộc sống như thế nào, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thanh Thủy: Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã thành lập các Tổ công tác phát triển tổ chức Đảng, đảng viên và các tổ chức đoàn thể. Đảng ủy Khối đã phân công nhiệm vụ rất cụ thể, rõ ràng đối với các Ban của Đảng ủy Khối theo từng loại hình, tổ chức doanh nghiệp, đồng thời thường xuyên nắm bắt, thống kê tình hình tổ chức Đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp. Ngoài việc chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phát triển Đảng, Đảng ủy Khối đã tổ chức tuyên truyền và thuyết phục Chủ tịch, Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp ủng hộ việc thành lập tổ chức Đảng và phát triển đảng viên; vận động một số đảng viên có uy tín, gương mẫu, trách nhiệm trong doanh nghiệp về sinh hoạt tại Chi bộ, Công đoàn thuộc các doanh nghiệp, trong Khu công nghiệp.  

Đảng ủy Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã tổ chức gặp mặt đảng viên làm việc trong các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp hiện chưa có tổ chức Đảng, đang sinh hoạt tại nơi cư trú để phối hợp, thống nhất kế hoạch phát triển tổ chức Đảng, đảng viên, trong đó có cả nội dung đưa vào biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư về việc xây dựng và phấn đấu thành lập các tổ chức Đảng, phát triển đảng viên và các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp.

Từ thực tế hoạt động, theo bà việc triển khai thực hiện Nghị quyết 10 tại Thanh Hóa còn những khó khăn, bất cập nào?

Bà Phạm Thị Thanh Thủy: Đó là số lượng tổ chức Đảng, đoàn thể và số lượng đảng viên, đoàn viên được thành lập còn ít so với số lượng doanh nghiệp và lực lượng lao động ở khu vực doanh nghiệp. Nhận thức, trách nhiệm, nội dung, phương thức hoạt động, sự chủ động, quan tâm phối hợp giữa các tổ chức Đảng ở một số đơn vị, địa phương với các doanh nghiệp, Ban Quản lý các Khu công nghiệp còn lúng túng, chưa thể hiện tốt vai trò đối với sự phát triển của doanh nghiệp; chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa dành nhiều thời gian, tâm huyết đối với công tác phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể, phát triển đảng viên, đoàn viên trong doanh nghiệp. Công tác phối hợp của các cấp, các ngành, trước hết là của cấp ủy, đoàn thể cấp quản lý trực tiếp và các cơ quan tham mưu trong việc tuyên truyền, vận động, phát triển đảng viên, đoàn viên, thành lập tổ chức Đảng và đoàn thể trong doanh nghiệp còn thiếu chủ động, chưa đồng bộ, không cụ thể. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nên chưa tích cực hợp tác, ủng hộ việc phát triển đảng viên, đoàn viên, thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Một bộ phận công nhân, người lao động hạn chế giác ngộ chính trị, bàng quan, chưa hiểu đúng và không thiết tha với việc tham gia sinh hoạt đoàn thể. Một số tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp chậm đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, chưa có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc thành lập các doanh nghiệp (doanh nghiệp siêu nhỏ) có biểu hiện hình thức, không hoạt động, hoặc hoạt động kém hiệu quả, làm tăng ảo số lượng doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, đảng viên và đoàn thể trong các doanh nghiệp.

Đại hội Đảng bộ Công ty CP Dạ Lan

Để tiếp tục đưa Nghị quyết 10 đi vào cuộc sống hiệu quả hơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chỉ đạo, định hướng về xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới như thế nào, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thanh Thủy: Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phù hợp đến từng các doanh nghiệp cụ thể. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phải trực tiếp vào cuộc, bám sát doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp để tuyên truyền, cổ vũ, động viên. Thường xuyên tổ chức việc gặp gỡ, trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền các cấp với cán bộ, đảng viên, người lao động và chủ doanh nghiệp, nêu lên những mục đích, ý nghĩa, những yêu cầu tất yếu của việc phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, với phương châm ở đâu có đảng viên, đoàn viên, hội viên ở đó có tổ chức Đảng, đoàn thể.

Ban Thường vụ Tình ủy đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng và các đơn vị liên quan tập trung triển khai Nghi quyết nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và người lao động về phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về vai trò, vị trí cũng như yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức Đảng và các đoàn thể nhân dân trong đơn vị kinh tế tư nhân.

Nắm chắc tình hình, tâm tư nguyện vọng của đảng viên, để giới thiệu những đảng viên trong doanh nghiệp về sinh hoạt tại Chi bộ, Công đoàn ở các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, trong doanh nghiệp để những đảng viên này phát huy vai trò trở thành hạt nhân tuyên truyền, vận động, theo dõi, giúp đỡ công nhân lao động ưu tú, giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc thành lập các tổ Đảng, các Chi bộ ghép, Chi bộ độc lập.  

Đối với các doanh nghiệp nhà nước việc triển khai Nghị quyết thuận lợi hơn, còn đối với khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có có vốn đầu tư nước ngoài, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định công tác phát triển Đảng phải có lộ trình lâu dài, cụ thể và phù hợp với từng doanh nghiệp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tăng cường chỉ đạo việc tiếp tục phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ địa phương và xác định đây là nguồn nhân lực phát triển Đảng rất tiềm năng nên sẽ tích cực triển khai trong thời gian tới. Ngoài ra, tăng cường công tác kết nạp đảng viên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trường dạy nghề để bổ sung cả về số lượng và chất lượng đảng viên cho các doanh nghiệp tư nhân. Công tác phát triển Đảng đi theo hướng này sẽ bền vững và chất lượng.

Đại hội Đảng bộ Tổng Công ty Cổ phần miền Trung

Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, có các giải pháp phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp ngoài nhà nước để công tác phát triển tổ chức Đảng và đảng viên đạt nhiều kết quả hơn nữa. Qua đó nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh và doanh nghiệp phát triển bền vững để xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nhiều đảng viên là chủ doanh nghiệp, nhiều tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò, vị trí, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Thực hiện tốt việc tập hợp, động viên cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động chấp hành pháp luật và nội quy, quy định của doanh nghiệp, yên tâm lao động sản xuất; góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống.

Minh Hiền (thực hiện)