Xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục, kỳ vọng bứt phá

00:00 12/10/2020

Hiện nay, xuất khẩu được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ và chúng ta đang xếp thứ 27 trong tổng số các quốc gia xuất khẩu lớn của thế giới. Đây là tín hiệu tích cực trong bức tranh thương mại của Việt Nam trong năm qua cũng như tạo đà cho việc hoàn thành những mục tiêu trong năm 2019.

Quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới

Một trong những “điểm sáng” trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 đó là tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 352 tỷ USD, cả năm ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%; trong đó xuất khẩu 238 tỷ USD, tăng 11,2% (mục tiêu 7 - 8%); tiếp tục xuất siêu, 9 tháng đạt gần 5,4 tỷ USD. Cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến, nông sản. Xuất khẩu của khu vực trong nước 9 tháng tăng 17,5%, cao hơn khu vực FDI (14,6%).

Xuất khẩu của Việt được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ và chúng ta đang xếp thứ 27 trong tổng số các quốc gia xuất khẩu lớn của thế giới

Phân tích sâu sắc hơn bức tranh xuất khẩu, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay chúng ta xuất khẩu đến hơn 200 quốc gia trên thế giới. Riêng nông sản, thủy sản của chúng ta là 180 quốc gia trên thế giới. Điều này cho thấy trong cơ cấu về xuất khẩu và thương mại, Việt Nam đã thực hiện tốt chủ trương đa phương, đa dạng hóa thương mại quốc tế.

Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục củng cố vị thế của một số phân ngành và đóng góp quan trọng trong tăng trưởng của thương mại cũng như xuất khẩu và GDP. Đơn cử như dệt may Việt Nam hiện đang đứng thứ 7 trên thế giới về xuất khẩu; da giày đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 thế giới về xuất khẩu; mặt hàng điện tử đang đứng thứ 12 thế giới về xuất khẩu; thủy sản đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu; đồ gỗ đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu...

Hơn nữa, về cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, nếu như từ năm 2011, Việt Nam có khoảng 20 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, thì đến nay Việt Nam đã đạt tới 29 mặt hàng xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. “Qua đó có thể nói nước ta hiện nay là một nước mà xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ trên thế giới và chúng ta đang xếp thứ 27 trong tổng số các quốc gia xuất khẩu lớn của thế giới” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Ghi nhận những thành tựu xuất khẩu đạt được, ông Hoàng Quang Hàm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho hay, về tăng trưởng kinh tế, có 5 yếu tố cơ bản ảnh hưởng và thúc đẩy tăng trưởng. Một là nguồn nhân lực, hai là vốn đầu tư, ba là tài nguyên thiên nhiên, bốn là tri thức công nghệ, năm là xuất khẩu dòng. Thời gian qua Chính phủ đã thành công trong khai thác và phát huy năm yếu tố này. Đặc biệt, kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng nhanh, hơn nữa các năm gần đây đều xuất siêu đã cho thấy nỗ lực rất lớn của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân.

Giữ vững đà xuất khẩu

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, mục tiêu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Để thực hiện mục tiêu này, sẽ đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Kiểm soát tốt nhập khẩu bằng các hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp; phấn đấu cân bằng thương mại bền vững…

Mặc dù việc tái cơ cấu công nghiệp – thương mại đang đi đúng hướng, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động thương mại cũng như xuất khẩu, tuy nhiên các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước để phát triển một cách bền vững. Ông Hoàng Quang Hàm nhận định, mặc dù tổng thể quốc gia là xuất siêu nhưng do các DN FDI mang lại, khu vực trong nước vẫn nhập siêu. Các DN FDI xuất siêu nên phần lớn giá trị gia tăng thuộc về các DN FDI. Vì chúng ta tham gia ở phân khúc thấp trong việc hình thành sản phẩm xuất khẩu nên đương nhiên hưởng phần ít hơn. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng nhanh khiến độ mở của nền kinh tế lớn nên dễ bị tác động, dễ tổn thương khi kinh tế thế giới có biến động. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện nay đã gấp hai lần GDP.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Như So - Đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Ninh chia sẻ, bảo quản chế biến là khâu cuối cùng quyết định giá trị nông sản, tuy nhiên năng lực bảo quản chế biến sau thu hoạch của nước ta rất yếu, chưa kịp với sản xuất. Hiện có 90% nông sản xuất khẩu dưới dạng thô, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch rất cao, lên tới 40-45%. Do vậy, điều cần làm là nâng cao năng lực bảo quản, chế biến thông qua những chính sách hỗ trợ vốn, thuế tín dụng để nhập khẩu công nghệ.

Đồng thuận với quan điểm trên, bà Nguyễn Thanh Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang kiến nghị, Chính phủ cần có giải pháp tăng cường ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật, thu hút đầu tư thêm nhiều nhà máy chế biến tại các tỉnh, thành phố, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời làm tốt công tác quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm hàng nông sản Việt Nam trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện cạnh tranh tốt hơn, hiệu quả hơn khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:

Hiện nay, trên thế giới không còn những thị trường dễ tính. Tất cả các thị trường đều rất quan tâm đến chất lượng của sản phẩm, chất lượng an toàn thực phẩm. Vì vậy, các hàng rào kỹ thuật là những yêu cầu gần như đầu tiên để chúng ta tiếp cận được với thị trường thế giới.

Lan Anh - Quỳnh Nga