Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 7/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 290.035 tấn gạo, tương đương 177 triệu USD, đánh dấu sự gia tăng 15% về khối lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, xuất khẩu gạo trong bảy tháng đầu năm 2024 sẽ đạt khoảng 5,26 triệu tấn, với kim ngạch 3,34 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận định rằng, nỗ lực nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm đã giúp Việt Nam duy trì vị trí hàng đầu trong ngành xuất khẩu gạo toàn cầu. Dựa trên thành công trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp và chuyên gia dự đoán xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024, có khả năng vượt mục tiêu và mang về hơn 5 tỷ USD.
Trong khi đó, Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sản lượng gạo toàn cầu cho niên vụ 2023-2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi mức tiêu thụ dự kiến lên đến 525 triệu tấn, dẫn đến sự thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo. Tình trạng thiếu hụt này mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, các thị trường lớn như Philippines, Indonesia, Thái Lan và Campuchia cũng sẽ chứng kiến sự giảm sút sản lượng gạo do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, đã khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần chủ động chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Một trong những yếu tố then chốt là duy trì sự đồng nhất về chất lượng gạo giữa các lô hàng, đồng thời tránh các hình thức cạnh tranh không lành mạnh có thể dẫn đến phá giá sản phẩm. Những hiện tượng như vậy không chỉ làm ảnh hưởng đến một doanh nghiệp mà còn có thể tác động xấu đến toàn bộ ngành xuất khẩu gạo.
Để ứng phó với những biến động thị trường trong năm 2024, Bộ Công Thương đã xây dựng các giải pháp chiến lược linh hoạt, phù hợp với nhiều kịch bản khác nhau. Bộ cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đàm phán, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác các cơ hội tại các thị trường mới và tiềm năng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành gạo Việt Nam.
Trong bối cảnh thị trường thế giới đang biến động với những yếu tố không lường, ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên, giá cả thế giới gặp biến động do tác động của nhiều yếu tố như thời tiết, chính sách thương mại, và sự biến động của thị trường. Sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia sản xuất gạo khác cũng đang tạo áp lực lớn đối với ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Thứ hai, sự biến đổi khí hậu ngày càng trở nên phức tạp, gây ra những thiên tai, ngập lụt và hạn hán, ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng gạo. Điều này đe dọa xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.
Thứ ba, với sự thay đổi trong chính sách và quy định về an toàn thực phẩm, môi trường, và quy định nhập khẩu của các quốc gia đối tác cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Trước những yếu tố khó lường này, xuất khẩu gạo Việt Nam cần phải chủ động trong việc điều chỉnh chiến lược, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác mới để đối phó với thách thức. Sự linh hoạt trong quản lý và sáng tạo trong kinh doanh sẽ giúp ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam vượt qua những khó khăn để duy trì vị thế mạnh trên thị trường quốc tế.
Những tháng cuối năm 2024 được dự báo sẽ đầy thách thức, nhưng cũng chứa đựng nhiều cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam, nếu ngành này có thể linh hoạt thích ứng và đổi mới trong môi trường kinh doanh ngày càng biến động.
Phong Hà