Dự thảo mới nhất đề xuất điều chỉnh giá điện giảm xuống còn 2 tháng/lần để tăng tính linh hoạt và phản ánh nhanh hơn sự biến động của thị trường |
Cần thời gian đánh giá kỹ lưỡng
Theo ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng phòng Thị trường điện - Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương đang trong giai đoạn xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các đơn vị liên quan và đánh giá tác động để báo cáo Thủ tướng. "Đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện đòi hỏi sự đồng thuận từ các bên liên quan, đặc biệt là các nhóm chịu tác động trực tiếp. Chúng tôi cần thêm thời gian đánh giá chi tiết trước khi trình phương án chính thức," ông Minh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, quy định điều chỉnh giá điện trước đây áp dụng chu kỳ 6 tháng/lần, sau đó được rút ngắn còn 3 tháng. Dự thảo mới nhất tiếp tục đề xuất giảm xuống còn 2 tháng để tăng tính linh hoạt và phản ánh nhanh hơn sự biến động của thị trường. Tuy nhiên, việc thay đổi cần đi đôi với các phân tích tác động kỹ lưỡng để đảm bảo phương án được lựa chọn là tối ưu.
Ngoài cơ chế điều chỉnh giá, dự thảo còn đề cập đến việc nghiên cứu áp dụng giá điện hai thành phần. Theo lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực, đây là chính sách mới với tác động lớn tới khách hàng, đòi hỏi sự chuẩn bị cẩn thận trước khi đề xuất chính thức. "Việc áp dụng sẽ được thực hiện từng bước, theo từng nhóm khách hàng thay vì áp dụng đồng loạt," ông Minh chia sẻ.
Triển khai nhiều bước dự án điện hạt nhân
Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trước đây. Ảnh tư liệu |
Liên quan đến việc thực thi Luật Điện lực, ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết Bộ Công Thương đã giao các đơn vị xây dựng cơ chế, chính sách mới để trình xin ý kiến thông qua. Đáng chú ý, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đang được xem xét đưa vào quy hoạch điện VIII.
Theo đó, Bộ Công Thương đã đề xuất thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân và giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Đồng thời, EVN sẽ được phép triển khai ngay các bước chuẩn bị, bao gồm chỉ định tư vấn, nghiên cứu tiền khả thi và tái đàm phán với các đối tác liên quan.
Thứ trưởng Tân cũng thông tin thêm rằng việc sửa đổi quy hoạch điện VIII được yêu cầu hoàn thành trước ngày 28/2 để trình Chính phủ phê duyệt. Các nội dung sửa đổi bao gồm việc bổ sung nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào quy hoạch và xây dựng hành lang pháp lý, khuyến khích phát triển nguồn điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Việc sửa đổi và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Điện lực là ưu tiên hàng đầu của Bộ Công Thương. Các văn bản này sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và thúc đẩy phát triển các nguồn điện, từ năng lượng tái tạo đến điện hạt nhân, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao.
6 chính sách lớn trong phát triển điện hạt nhân: Đó là quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực. Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường. Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện. An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện. |