Theo đánh giá của các chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng GDP 2 con số (10-11%) trong năm 2025 là tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi. Hiện GDP đã đạt mức tăng trưởng 7%, và với việc thực hiện đúng các giải pháp then chốt, con số này có thể tăng thêm 1-2%. Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghịệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định: "Việt Nam chỉ cần làm đúng những điều mà chưa làm đúng và hiện chỉ làm được trên 50% thôi thì tăng trưởng 2 con số là không khó".
Trong khuôn khổ diễn đàn, nhiều giải pháp mang tính đột phá đã được đề xuất, từ việc phát triển các vùng kinh tế đến việc đầu tư vào các trung tâm tài chính. Đặc biệt, việc thiết lập các khu vực kinh tế tự do (free zones) với các chính sách ưu đãi về thuế và thủ tục visa được kỳ vọng sẽ thu hút mạnh mẽ đầu tư cả trong và ngoài nước. Song song với đó, sự gắn kết giữa chỉ tiêu carbon với công nghệ, giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cũng được đặc biệt chú trọng. Hiện nay, kinh tế xanh mới chỉ chiếm 2% nền kinh tế, cho thấy tiềm năng phát triển còn rất lớn.
Về mặt tài chính, diễn đàn đề xuất những cách tiếp cận mới trong quản lý, bao gồm việc chuyển vốn đầu tư công cho khu vực tư nhân thực hiện. Đồng thời, cần tăng cường vai trò của các định chế tài chính và tận dụng hiệu quả nguồn vốn từ bảo hiểm, ước tính khoảng 20 tỷ USD.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một trong những trọng tâm được thảo luận sôi nổi tại diễn đàn. Ông Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghịệp nhỏ và vừa Việt Nam đã thay mặt doanh nghiệp nhỏ và vừa kêu gọi thành lập quỹ phát triển nhân tài, với điểm đặc biệt là không cần "vốn mồi" từ Nhà nước. Theo ông Nguyễn VănThân, khái niệm nhân tài cần được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả sinh viên và người có tuổi muốn cống hiến.
Để đạt được mục tiêu đề ra, việc cải cách thể chế toàn diện được xem là điều kiện tiên quyết. Việc rút ngắn thời gian phê duyệt dự án từ 5-7 năm xuống mức hợp lý hơn và đơn giản hóa thủ tục hành chính được xem là những ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, vai trò của doanh nghiệp cũng cần được định vị lại. "Doanh nghiệp không nên trông chờ vào sự bao cấp. Chúng ta cần định hướng theo kết quả như Tổng Bí thư đã chỉ đạo - làm tốt sẽ được ghi nhận", ông Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.
Kết quả của Diễn đàn sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp trình lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và báo cáo Bộ Chính trị. Những ý kiến đóng góp tâm huyết và sáng kiến đột phá từ Diễn đàn được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào nỗ lực chung của đất nước, đưa Việt Nam bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với quyết tâm của Chính phủ, sự năng động của doanh nghiệp và đặc biệt là việc tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số không chỉ là ước mơ mà có thể trở thành hiện thực trong năm 2025, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho đất nước. Thành công này sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, khẳng định vị thế của một quốc gia năng động và đầy tiềm năng trong khu vực.