Xuất khẩu gạo tăng mạnh, Việt Nam cần tận dụng triệt để các FTA

23:35 31/07/2022

Thời gian qua, gạo Việt liên tục mở rộng sang các thị trường mới, cao cấp như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc. Tuy nhiên, đối với riêng thị trường Vương quốc Anh, gạo của Việt Nam vẫn chưa chiếm được thị phần đáng kể.

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Pakistan đang có nhiều phiên giảm sâu. Trong tuần này, giá gạo của những nước này đã tụt xuống khỏi ngưỡng 400 USD/tấn đối với cả 3 loại gạo 5%, 25% và 100% tấm. Trong khi đó, giá gạo của Việt Nam ổn định và đang ở mức cao nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hiện nay.

Đặc biệt, thời gian qua, gạo Việt liên tục mở rộng sang các thị trường mới, cao cấp như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc. Vào đầu tháng 7, lần đầu tiên 100 tấn gạo ST25 Việt Nam được quảng bá, bày bán chính thức tại các siêu thị, cửa hàng tại thị trường Nhật Bản, đánh dấu mốc quan trọng khi gạo Việt Nam chính thức xuất hiện trên bàn ăn của các gia đình Nhật.

Xuất khẩu gạo tăng mạnh, Việt Nam cần tận dụng triệt để các FTA
Xuất khẩu gạo tăng mạnh, Việt Nam cần tận dụng triệt để các FTA.

Có thể, gạo Việt Nam liên tục chiếm lĩnh nhiều thị trường từ ASEAN đến EU nhờ những lợi thế đặc trưng về chất lượng và giá cả, cùng những ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nên tạo được tính cạnh tranh cao. Tuy vậy, đối với riêng thị trường Vương quốc Anh, gạo của Việt Nam vẫn chưa chiếm được thị phần đáng kể, mặc dù hai quốc gia đã có những cam kết cắt giảm thuế quan từ FTA giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA).

Đánh giá của Bộ Công Thương cũng chỉ ra, phần lớn gạo Việt Nam được bán tại Anh với các thương hiệu của nhà phân phối, chưa mang thương hiệu của nhà sản xuất, thương hiệu của vùng trồng lúa hay thương hiệu của nhà xuất khẩu nên chưa được nhiều người tiêu dùng sở tại biết đến. Nguyên nhân được nhìn nhận là do DN xuất khẩu của Việt Nam chưa làm thương hiệu hoặc nhà phân phối sở tại cho rằng, thương hiệu riêng của họ có hiệu quả marketing hơn thương hiệu của nhà xuất khẩu Việt Nam.

Thông tin về dư địa của thị trường Anh cho sản phẩm gạo Việt Nam, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 15 trong các nước xuất khẩu gạo sang Anh với thị phần chỉ 0,42%. Dư địa cho gạo Việt Nam tại Anh còn có thể mở rộng với cộng đồng gốc Việt Nam 100.000 người và nhờ quy chế hạn ngạch thuế quan trong UKVFTA.

Trước khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, nhiều hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Anh bị áp thuế rất cao. Chính vì vậy, việc được giảm thuế theo cam kết UKVFTA là cơ hội lớn cho nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, hoa quả, cà phê, gạo, dệt may, đồ gỗ... gia tăng sức cạnh tranh tại thị trường này.

Cụ thể, về thương mại hàng hóa, Anh cam kết sẽ xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực (từ ngày 1/1/2021), xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ ngày 1/1/2027 và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan (với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%). Đáng chú ý, theo hiệp định này, gạo thơm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ được miễn thuế thay vì phải chịu mức 17,4% như trước đây. Điều này giúp gạo Việt có sức cạnh tranh tốt hơn so với những nước cùng xuất khẩu gạo thơm sang Anh.

PV