Trong bối cảnh thị trường lúa gạo thế giới và trong nước có nhiều biến động, Bộ Công Thương đã tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong tháng 4/2025, Bộ đã ban hành 10 quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đối với các thương nhân không tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.
Động thái này là kết quả của quá trình kiểm tra sâu rộng do Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành, được thành lập theo Quyết định số 831/QĐ-BCT ngày 21/3/2025. Đoàn kiểm tra hoạt động trên cơ sở triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 21/CĐ-TTg ngày 4/3/2025 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 11/3/2025. Đây là nỗ lực nhằm đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo và ổn định thị trường, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của cả nước.
![]() |
Đã thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo của 10 doanh nghiệp |
Trong quá trình kiểm tra 44 thương nhân hoạt động tại sáu tỉnh, thành phố gồm Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang – thuộc các khu vực Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười – Bộ Công Thương đã phát hiện một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo. Cụ thể, một thương nhân bị thu hồi giấy chứng nhận do không duy trì điều kiện kinh doanh theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 8 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Ngoài ra, chín thương nhân khác bị thu hồi giấy phép do không thực hiện xuất khẩu gạo trong thời gian 18 tháng liên tục, theo quy định tại điểm d, khoản 1 của cùng nghị định.
Đây là hành động cụ thể, thể hiện vai trò quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong việc giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP và Nghị định 01/2025/NĐ-CP. Thông qua số liệu từ Tổng cục Hải quan và báo cáo từ các Sở Công Thương địa phương, Bộ đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng và áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp đối với những trường hợp vi phạm.
Tính đến thời điểm hiện tại, còn 152 thương nhân đang được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương và cơ quan liên quan để xác minh, làm rõ hoạt động của các doanh nghiệp bị xử lý, đồng thời tăng cường giám sát hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp còn lại. Việc này nhằm bảo đảm sự minh bạch, tuân thủ pháp luật và nâng cao chất lượng hoạt động xuất khẩu gạo – ngành hàng quan trọng góp phần đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy xuất khẩu quốc gia.