Thị trường bất động sản Việt Nam năm qua đã thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Hình thức này ngày càng trở nên phổ biến, khi nó kết hợp được thế mạnh của cả hai bên: các nhà đầu tư nước ngoài với khả năng tài chính mạnh, giàu kinh nghiệm về kinh doanh còn các doanh nghiệp địa phương lại nắm giữ quỹ đất lớn và có sự am hiểm về trình tự thủ tục đầu tư.
Theo đó, dù dịch bệnh khiến kinh tế toàn cầu khó khăn, hạn chế đi lại vẫn tiếp tục kéo dài, song hoạt động sáp nhập, thâu tóm, mua bán bất động sản công nghiệp tại thị trường Việt Nam lại có xu hướng được mở rộng với nhóm khách hàng quốc tế.
Đối với các dự án nhà ở và bất động sản thương mại, các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm những khu đất “sạch”, nghĩa là những khu đất này phải hoàn thành thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn tất thanh toán chi phí sử dụng đất, có quyền sử dụng đất, và kế hoạch phát triển tốt. Tuy nhiên, những dự án này rất hiếm khiến các chủ đầu tư phải cạnh tranh gay gắt và đối mặt với không ít áp lực.
Việc dòng vốn ngoại đổ bộ vào thị trường bất động sản trong nước được nhìn nhận tích cực. Về lâu dài, điều này sẽ làm tăng tính minh bạch và bền vững của thị trường bởi trước sức ép cạnh tranh, các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ để thu hút khách hàng. Doanh nghiệp nào làm ăn chụp giật, manh mún sẽ bị triệt tiêu.
Có thể kế rất nhiều ví dụ hợp tác giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực bất động sản, như Nam Long hợp tác với 2 nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad, rót vốn 8.000 tỷ đồng vào Dự án Mizuki Park rộng 26 ha; SonKim Land tiếp tục huy động thành công 121 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư EXS Capital, ACA Investments và Credit Suisse AG; Phát Đạt ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với Samty Asia Investments Pte. Ltd (Công ty con trực thuộc Samty Corporation) và một công ty phát triển bất động sản hàng đầu của Nhật Bản thông qua Quỹ Vietnam New Urban Center LP.
Vốn ngoại đổ vào bất động sản công nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa
Savills vừa công bố báo cáo thị trường M&A bất động sản công nghiệp tại Việt Nam sau 2 đợt dịch Covid-19 với sự quan tâm ở mức cao của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông John Campbell, Quản lý bộ phận Bất động sản Công nghiệp Savills Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm, một số thương vụ sáp nhập quan trọng và sự xuất hiện thêm các tài sản để bán, cho thuê trên thị trường bất động sản công nghiệp vẫn chuyển động mạnh. Điển hình như Tập đoàn Logos Property của Australia đã đầu tư 350 triệu USD cho thương vụ liên doanh bất động sản logistics để thâm nhập thị trường Việt Nam.
Gã khổng lồ kho bãi châu Á – GLP đang lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistic Partners Việt Nam, hoặc tập đoàn SLP ra mắt liên doanh 1,5 tỷ USD tại Việt Nam. Ngoài ra, công ty Mirae Asset Daewoo Co. và Naver Corporation của Hàn Quốc đã đầu tư 37 triệu USD vào một nhà kho ở trung tâm logistics LogisValley ở Bắc Ninh...
Trong lĩnh vực sản xuất, tập đoàn điện tử Pegatron (Đài Loan), nhà cung ứng linh kiện cho Apple, đã đầu tư hơn 19 triệu USD vào Hải Phòng cho giai đoạn đầu trong chuỗi kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.
Trong quý III, Hà Nam đón đầu làn sóng FDI cao nhất cho lĩnh vực chế biến, chế tạo với hơn 447 triệu USD, tiếp đó là Hải Phòng với 438 triệu USD. Dự án sản xuất lớn nhất tại Hà Nam đã nhận được nguồn vốn đầu tư lên đến 273 triệu USD từ tập đoàn Wistron (Đài Loan).
"Điều quan trọng hơn hết là một số nhà đầu tư và sản xuất logistics nổi tiếng nhất thế giới đang dần ủy thác và thể hiện niềm tin của họ vào tiềm năng lâu dài của Việt Nam, bất chấp những khó khăn hiện tại do đại dịch gây ra", ông John nhấn mạnh.
PV