Năm 2025, ngành logistics Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu, đạt tỷ trọng đóng góp của ngành vào GDP khoảng 5% - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, xếp hạng theo Chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Để đạt được các mục tiêu này, ngành logistics đòi hỏi cần phải đưa ra các quy định về quy chuẩn và tiêu chuẩn chất lượng nhằm giữ vai trò quan trọng góp phần đảm bảo chất lượng dịch vụ logistics, đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ và đảm bảo hàng hóa được lưu thông dễ dàng. Việc các quy chuẩn, tiêu chuẩn có tính tương đồng cao với các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế góp phần tạo thuận lợi sự lưu thông hàng hóa dễ dàng trên thị trường xuất nhập khẩu.
Tiêu chuẩn hóa giúp cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí thông qua việc cải thiện hệ thống logistics của doanh nghiệp và các quá trình làm tăng khả năng cạnh tranh cho chuỗi logistics, qua đó tăng sự hài lòng của khách hàng thông qua việc cải thiện sự an toàn, chất lượng và quá trình logistics. Từ đó cho thấy, việc chuẩn hóa nguồn nhân lực cũng rất cần thiết. Việc đánh giá nhân viên là việc làm không thể thiếu của doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý đội ngũ nhân viên trong quá trình làm việc.
Thời gian gần đây, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã và đang triển khai xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề OS/OSS cho các vị trí công việc trong ngành logistics và nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn công việc “Chuyên viên làm hàng nguy hiểm”, dự kiến sẽ ra mắt cộng đồng trong tháng 4. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho quá trình đào tạo, tuyển dụng và phát triển nhân viên của ngành logistics.
Người đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việc Nam cho rằng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần đầu tư hoàn thiện mô hình quản lý chất lượng dịch vụ logistics nhằm giúp các khâu trong quá trình thực hiện dịch vụ diễn ra một cách đơn giản và đảm bảo hơn.
PV