Bài liên quan |
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Bà Rịa- Vũng Tàu: Định hướng chiến lược trong kỷ nguyên mới |
Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Tiết kiệm để sống sót và phát triển bền vững |
Ngành logistics Việt Nam hiện đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ với hơn 35.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó, trên 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa - đây là số liệu được đưa ra tại Theo số liệu tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics”.
Theo cơ cấu sở hữu, doanh nghiệp tư nhân chiếm 95,9%, trong khi doanh nghiệp FDI chỉ đạt 2,3%, hợp tác xã chiếm 1,4% và doanh nghiệp nhà nước chỉ có 0,4%. Các doanh nghiệp này tập trung chủ yếu ở các khu vực kinh tế phát triển mạnh như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai. Về ngành nghề, phần lớn doanh nghiệp logistics hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường bộ (56,2%), tiếp theo là dịch vụ chuyển phát và kho bãi (35,5%), còn lại là các dịch vụ hỗ trợ vận tải (5%).
Theo ông Trevor O'Regan, chuyên gia quốc tế từ Dự án Thương mại số tại Việt Nam của USAID, Việt Nam có lợi thế chiến lược nhờ vào vị trí địa lý, đường bờ biển dài và hệ thống cảng quốc tế lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Những yếu tố này biến Việt Nam thành trung tâm vận tải hàng hải lý tưởng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics. Hiện nay, ngành này đóng góp khoảng 4,5% GDP và đang tăng trưởng ở mức 14-16% mỗi năm. Chính phủ Việt Nam cũng không ngừng đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng logistics, bao gồm việc xây dựng các tuyến đường cao tốc mới và mở rộng hệ thống sân bay.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 90% hoạt động trong lĩnh vực logistic |
Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức. Chi phí logistics hiện nay được đánh giá ở mức cao, trong khi hạ tầng chưa hoàn thiện và các quy định pháp lý đôi khi phức tạp, gây cản trở cho hoạt động chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong ngành logistics dù đang diễn ra mạnh mẽ nhưng vẫn chưa thực sự đồng đều. Báo cáo từ Dự án Thương mại số tại Việt Nam cho thấy, dù 68% doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ mới, phần lớn vẫn ở giai đoạn đầu của chuyển đổi số.
Các ứng dụng chính bao gồm hệ thống quản lý kho bãi, vận tải, dự báo dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và giải pháp theo dõi lộ trình thông qua Internet vạn vật (IoT). Những công nghệ này không chỉ cải thiện hiệu quả vận hành mà còn đáp ứng tốt hơn nhu cầu từ các ngành sản xuất và thương mại điện tử đang mở rộng nhanh chóng tại Việt Nam.
Theo bà Phạm Thị Lan Hương, chuyên gia trong nước của Dự án Thương mại số tại Việt Nam, một trong những trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp logistics, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, là nguồn vốn hạn chế và thiếu nhân sự có năng lực chuyên môn. Bà Hương nhấn mạnh rằng, để vượt qua những thách thức này, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số bài bản, triển khai theo từng giai đoạn và ưu tiên sử dụng các giải pháp “on cloud” để giảm thiểu chi phí. Đồng thời, việc truyền thông nội bộ và thiết lập hệ thống đánh giá KPI cho từng đầu mục công việc về chuyển đổi số cũng rất cần thiết để đảm bảo sự đồng thuận và hiệu quả triển khai trong toàn bộ tổ chức.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành logistics Việt Nam. Ông Trevor O'Regan khuyến nghị Việt Nam cần phát triển các doanh nghiệp phục vụ mục đích đặc biệt (SPV) đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời xây dựng một trường đại học và viện nghiên cứu chuyên sâu về chuỗi cung ứng, AI, thương mại số và tính bền vững. Ngoài ra, Việt Nam nên đặt mục tiêu trở thành một trong năm trung tâm logistics xanh hàng đầu thế giới, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Thái Lan để tận dụng lợi thế khu vực, biến ASEAN thành trung tâm logistics và thương mại điện tử hàng đầu.
Bên cạnh đó, việc thành lập quỹ khởi nghiệp logistics xanh do Nhà nước hậu thuẫn được đánh giá là một bước tiến quan trọng. Quỹ này sẽ tập trung hỗ trợ các giải pháp sáng tạo và đổi mới trong lĩnh vực logistics xanh, cung cấp nhiều lựa chọn kỹ thuật số với chi phí hợp lý cho doanh nghiệp. Đây không chỉ là động lực giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn tạo ra nền tảng vững chắc để ngành logistics Việt Nam phát triển bền vững, góp phần khẳng định vị thế trên bản đồ logistics quốc tế.