![]() |
Vinatex kêu gọi chủ động trước rủi ro thuế quan cuối năm |
Tại Hội thảo chuyên đề tháng 5, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex – mã: VGT) – đã đưa ra nhận định tích cực về triển vọng thị trường dệt may trong năm 2025. Theo ông, các doanh nghiệp trong hệ thống cần tận dụng thời điểm thuận lợi về đơn hàng để tối ưu hóa lợi nhuận và hoàn thành 2/3 kế hoạch năm ngay trong 6 tháng đầu nhằm phòng ngừa các rủi ro liên quan đến thuế quan có thể xảy ra trong nửa cuối năm.
Tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, cơ hội vẫn rộng mở đến quý III
Dữ liệu thực tế cho thấy xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tháng 4 đạt 3,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, nâng tổng kim ngạch 4 tháng đầu năm lên 13,9 tỷ USD – tăng 11% so với năm 2024. Các thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm do đặc thù nhập khẩu nguyên liệu sợi thay vì thành phẩm.
Ông Hoàng Mạnh Cầm – Phó Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex – nhận định môi trường kinh doanh đang có nhiều yếu tố hỗ trợ, bao gồm xu hướng hạ nhiệt trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung, cước vận tải giảm và tỷ giá VND/USD ổn định hơn. Bên cạnh đó, tồn kho tại thị trường Mỹ đang ở mức rất thấp, nhiều thương hiệu chỉ còn đủ hàng cho 6–8 tuần tới, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng đơn hàng phục vụ mùa tựu trường và dịp lễ hội cuối năm.
Chủ tịch Lê Tiến Trường cho rằng dù đơn hàng quý III có thể duy trì tích cực, nhưng sang quý IV, tình hình có thể chững lại do nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ sụt giảm, dự kiến giảm khoảng 10%.
Trước nguy cơ Mỹ áp thuế mới sau thời hạn hoãn 90 ngày, Tổng Công ty Đức Giang đang đẩy mạnh sản xuất để xuất hàng kịp thời. CEO Phạm Tiến Lâm cho biết doanh nghiệp sẽ linh hoạt đàm phán mức chia sẻ thuế quan với đối tác dựa trên loại hình hợp tác và quy mô khách hàng, nhằm giảm thiểu chi phí.
Song song, Đức Giang mở rộng thị trường sang Australia, Nhật Bản và tiếp tục ghi nhận tín hiệu khả quan từ Trung Quốc. Doanh nghiệp này duy trì đơn hàng ổn định đến hết tháng 7, đồng thời tiếp tục nhận thêm đơn cho tháng 8–9.
Tại Dệt May Hòa Thọ, CEO Nguyễn Ngọc Bình phản ánh sự biến động liên tục trong yêu cầu giao hàng của khách Mỹ khiến doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất hàng ngày. Tình hình đơn hàng từ tháng 8 trở đi có dấu hiệu chững lại, thậm chí có đơn vị ngưng đặt hàng hoặc đàm phán lại với mức giá thấp hơn dự kiến.
Chuyển hướng thị trường và bài toán chi phí
Tổng Công ty Dệt May Miền Nam thông tin đã nhận đủ đơn hàng sản xuất đến hết tháng 8 và đang gia tăng tỷ trọng đơn hàng từ thị trường châu Âu và Anh. Đơn vị này nhận định nếu mức thuế đối ứng tăng 15–20%, ngành vẫn có thể chịu được trong ngắn hạn, tuy nhiên cần đảm bảo minh bạch trong chứng nhận xuất xứ – đặc biệt với nguyên liệu từ Trung Quốc.
CEO Dệt May Huế – bà Nguyễn Hồng Liên – cũng xác nhận xu hướng giảm giá và thắt chặt chi phí từ phía khách hàng. Tuy nhiên, đơn vị vẫn duy trì đơn hàng ổn định trong quý III và đã kín lịch sản xuất tháng 7 với đơn hàng FOB.
May Hưng Yên cũng có kế hoạch sản xuất liên tục đến giữa tháng 8 và đang tích cực trao đổi để nhận thêm đơn hàng. CEO Phạm Thị Phương Hoa khẳng định đây là thời điểm then chốt để nắm bắt cơ hội, đồng thời chuẩn bị trước kịch bản cho nửa cuối năm.