Thứ năm 19/09/2024 01:24
Hotline: 024.355.63.010
Kinh tế số

Việt Nam được xếp vào nhóm 1 về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu

15/09/2024 15:47
Việt Nam vinh dự nằm trong nhóm 1 về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu với tổng điểm là 99,74, trong đó bốn tiêu chí đạt tối đa 20 điểm.
aa
Bài liên quan
Xây dựng văn hóa bảo mật sẽ giúp doanh nghiệp Việt tránh thiệt hại về an ninh mạng
Đảm bảo an toàn thông tin trong thời kỳ bùng nổ của AI và các công nghệ mới nổi
Chính thức khai trương nền tảng giúp quản lý và phát hiện rủi ro an toàn thông tin
Việt Nam được xếp vào nhóm 1 về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu
Việt Nam được xếp vào nhóm 1 về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu.

Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) vừa công bố Chỉ số An toàn Thông tin Mạng Toàn cầu (GCI) năm 2024, nhấn mạnh việc các quốc gia trên thế giới đang gia tăng nỗ lực đảm bảo an ninh mạng, tuy nhiên vẫn cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn trước những nguy cơ ngày càng phức tạp.

Báo cáo của ITU cho thấy nhiều quốc gia đã cải thiện các cam kết liên quan đến an ninh mạng kể từ lần công bố chỉ số vào năm 2021. Tuy nhiên, các mối đe dọa tiềm tàng vẫn là mối lo ngại lớn, đặc biệt là các cuộc tấn công bằng phần mềm tống tiền (ransomware) nhắm vào hệ thống chính phủ và các lĩnh vực trọng yếu khác. Bên cạnh đó, lỗ hổng bảo mật cũng tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp, gây thiệt hại lớn về kinh tế và xâm phạm quyền riêng tư.

Tổng thư ký ITU, bà Doreen Bogdan-Martin, nhận định rằng, việc xây dựng niềm tin trong thế giới kỹ thuật số là tối quan trọng. Bà nhấn mạnh GCI 2024 thể hiện sự tiến bộ, đồng thời khẳng định cần duy trì sự tập trung cao độ để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người trước những rủi ro mạng đang ngày càng tăng cao.

Chỉ số GCI 2024 đánh giá các nỗ lực an ninh mạng của các quốc gia dựa trên 5 tiêu chí chính: pháp lý, kỹ thuật, tổ chức, phát triển năng lực và hợp tác. Năm nay, ITU đã điều chỉnh cách đánh giá để phản ánh rõ hơn sự tiến bộ của từng quốc gia và tác động của các cam kết an ninh mạng.

Các nước được xếp thành 5 nhóm, trong đó nhóm 1 là nhóm cao nhất, gồm 46 nước, đóng vai trò “làm gương”. ITU đánh giá các nước nhóm 1 đều có sự tiến bộ đáng kể so với phiên bản GCI gần nhất vào năm 2021.

Việt Nam nằm trong nhóm 1 với tổng điểm 99,74, trong đó bốn tiêu chí đạt tối đa 20 điểm là biện pháp pháp lý, biện pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức và biện pháp phối hợp. Tiêu chí phát triển năng lực đạt 19,74 điểm. Trong nhóm này còn có các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, gồm: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan.

Báo cáo nhấn mạnh rằng, các biện pháp pháp lý là yếu tố then chốt trong bảo vệ an ninh mạng tại nhiều quốc gia. Cụ thể, 177 quốc gia đã ban hành ít nhất một quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư. Hơn 130 quốc gia đã thành lập các đội ứng phó sự cố máy tính (CIRT) và có Chiến lược An ninh mạng Quốc gia (NCS).

Các chiến dịch nâng cao nhận thức không gian mạng cũng rất phổ biến: 152 quốc gia đã tiến hành các sáng kiến nâng cao nhận thức không gian mạng cho người dân nói chung, trong đó, một số nước tập trung vào các nhóm nhân khẩu học cụ thể như dân số dễ bị tổn thương và thiểu số.

Nhiều quốc gia hợp tác về an ninh mạng thông qua các hiệp ước hiện có: 166 nước, tương đương 92% nước là một phần của hiệp ước quốc tế hoặc cơ chế hợp tác tương đương để phát triển năng lực an ninh mạng, hoặc chia sẻ thông tin hoặc cả hai. Tuy nhiên, theo ITU, đưa các thỏa thuận và khuôn khổ an ninh mạng vào hoạt động thực tế vẫn còn nhiều thách thức.

123 quốc gia báo cáo có các chương trình đào tạo cho chuyên gia an ninh mạng. 153 quốc gia đưa an ninh mạng vào chương trình giảng dạy ở một mức độ nào đó. 164 quốc gia có các biện pháp pháp lý bảo vệ trẻ em trên mạng.

Theo GCI 2024, khu vực châu Phi đã có những tiến bộ nhất về an ninh mạng kể từ năm 2021. Tất cả các khu vực trên thế giới đều cho thấy sự cải thiện kể từ báo cáo gần đây nhất.

Các quốc gia kém phát triển nhất thế giới (LDC) cũng đã bắt đầu đạt được những tiến bộ, mặc dù các nước này vẫn cần được hỗ trợ để tiến xa hơn và nhanh hơn. Dữ liệu GCI 2024 cho các quốc gia LDC trung bình hiện đã đạt được cùng mức trạng thái an ninh mạng như nhiều quốc gia đang phát triển không thuộc LDC đã đạt được vào năm 2021.

Các quốc gia đang phát triển không giáp biển (LLDC) và các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) tiếp tục phải đối mặt với những hạn chế về nguồn lực và năng lực đối với các nỗ lực an ninh mạng.

GCI 2024 cũng bao gồm các đánh giá riêng lẻ và báo cáo tình hình rõ ràng cùng lộ trình về các hoạt động để đạt được tiến bộ hơn nữa về an ninh mạng.

Tin bài khác
Chuyển đổi số ngành bán lẻ - Hướng tới phát triển bền vững

Chuyển đổi số ngành bán lẻ - Hướng tới phát triển bền vững

Ngành bán lẻ đang bước vào kỷ nguyên công nghệ số. Để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần kết hợp hiệu quả công nghệ số với các mục tiêu phát triển bền vững.
AI hẹp, AI chuyên dụng, AI dùng riêng, AI nội bộ, AI cá nhân là gì?

AI hẹp, AI chuyên dụng, AI dùng riêng, AI nội bộ, AI cá nhân là gì?

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra khái niệm AI hẹp, AI chuyên dụng, AI dùng riêng, AI nội bộ, AI cá nhân.
Huawei và hành trình 5 năm vượt khó cấm vận của Mỹ

Huawei và hành trình 5 năm vượt khó cấm vận của Mỹ

Sau lệnh cấm vận của Mỹ vào năm 2019, Huawei buộc phải tìm cách khôi phục vị thế bằng cách tự phát triển chuỗi cung ứng chip trong nước.
Nỗ lực của Apple trong việc giảm chi phí sản xuất cho kính Apple Vision Pro

Nỗ lực của Apple trong việc giảm chi phí sản xuất cho kính Apple Vision Pro

Apple đang có kế hoạch sử dụng công nghệ OLED chi phí thấp hơn nhằm giảm giá thành sản xuất cho các phiên bản tiếp theo của kính thực tế ảo Apple Vision Pro.
Goolge, Facebook, TikTok và nhiều ông lớn nước ngoài nộp hơn 6.200 tỷ đồng tiền thuế

Goolge, Facebook, TikTok và nhiều ông lớn nước ngoài nộp hơn 6.200 tỷ đồng tiền thuế

Tính đến ngày 15/8, Goolge, Facebook, TikTok cùng nhiều ông lớn nước ngoài đã nộp hơn 6.234 tỷ đồng tiền thuế, tăng 24% so với ước tính cùng kỳ năm ngoái.
lp-bank
tms-group
sanghai-fair
ubnd-xa-hoa-son