![]() |
Vì sao Việt Nam "cấm cửa" Telegram? |
Quyết định này được đưa ra sau khi Cục Viễn thông nhận được văn bản số 2898/A05-P5 ngày 24/4/2025 từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), phản ánh mức độ vi phạm nghiêm trọng của Telegram.
Theo thống kê, trong tổng số hơn 9.600 kênh, nhóm Telegram đang hoạt động tại Việt Nam, có tới 68% mang nội dung xấu độc, bị lợi dụng để phát tán tài liệu chống phá, rao bán dữ liệu cá nhân, lừa đảo, thậm chí nghi vấn liên quan đến ma túy và khủng bố.
Điều này đặt ra thách thức lớn cho việc bảo vệ an ninh mạng quốc gia, trong khi Telegram hiện không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, không hợp tác với cơ quan quản lý để gỡ bỏ nội dung vi phạm, và chưa thực hiện nghĩa vụ thông báo khi cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới.
Trong bối cảnh đó, Cục Viễn thông đã thực hiện đúng vai trò quản lý Nhà nước, áp dụng các quy định pháp lý nghiêm ngặt như Nghị định 147/2024/NĐ-CP và Nghị định 163/2024/NĐ-CP nhằm xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm, đặc biệt từ các nền tảng xuyên biên giới. Văn bản của Cục nêu rõ: trước ngày 2/6/2025, các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam phải hoàn thành việc triển khai các biện pháp ngăn chặn kỹ thuật đối với Telegram, đồng thời báo cáo đầy đủ phương án và kết quả thực hiện.
Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền số, đảm bảo không gian mạng lành mạnh, hạn chế tối đa các nguy cơ từ bên ngoài ảnh hưởng đến trật tự xã hội và an ninh quốc gia.
Theo Luật Viễn thông, mọi hành vi lợi dụng hạ tầng viễn thông để chống phá Nhà nước, gây rối trật tự xã hội đều bị nghiêm cấm (Khoản 1, Điều 9). Ngoài ra, từ ngày 1/1/2025, mọi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký và thông báo hoạt động theo đúng trình tự pháp luật.
Telegram, trong trường hợp này, đã vi phạm nghiêm trọng khi không tuân thủ nghĩa vụ pháp lý, cung cấp dịch vụ khi chưa được cấp phép – hành vi bị cấm theo khoản 4 Điều 9 Luật Viễn thông. Do đó, Cục Viễn thông hoàn toàn có cơ sở để áp dụng điểm c, Khoản 1, Điều 79 của Nghị định 163/2024/NĐ-CP, yêu cầu doanh nghiệp viễn thông thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn dịch vụ vi phạm.
Trong kỷ nguyên số, khi công nghệ phát triển vượt bậc, việc kiểm soát các dịch vụ xuyên biên giới trở nên phức tạp. Tuy nhiên, Việt Nam đang cho thấy sự chủ động và kiên quyết trong quản lý không gian mạng, đặc biệt là với các nền tảng nước ngoài không hợp tác.
Ngoài việc bảo vệ an ninh quốc gia, hành động của Cục Viễn thông còn hướng đến việc bảo vệ quyền lợi người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên – nhóm dễ bị tổn thương trước các nội dung độc hại, lừa đảo, hoặc mang tính cực đoan.