GS. Trần Thọ Đạt: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cần phải thận trọng |
Lời tòa soạn: Kinh tế số không còn là một khái niệm tương lai mà đã trở thành động lực tăng trưởng cốt lõi, quyết định sức cạnh tranh của quốc gia trong kỷ nguyên mới. Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025. Đây là một thách thức khổng lồ nhưng cũng là cơ hội để tạo ra bước nhảy vọt. Để hiểu rõ hơn về lộ trình, những rào cản và giải pháp đột phá, PV Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân. |
Phóng viên: Thưa Giáo sư, kinh tế số được xác định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh theo đuổi tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, mục tiêu kinh tế số đóng góp 20% vào GDP vào năm 2025 dường như là một thách thức rất lớn. Ông đánh giá thực trạng này như thế nào?
GS. Trần Thọ Đạt: Phải khẳng định rằng, kinh tế số là một động lực tăng trưởng cực kỳ quan trọng và có mối quan hệ biện chứng, tương hỗ với tăng trưởng xanh. Hiện nay, kinh tế số của Việt Nam được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng khá trong khu vực. Tuy nhiên, khi so sánh với mục tiêu đề ra, chúng ta đang đối mặt với một thách thức vô cùng lớn.
Theo số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê (GSO) công bố, đến năm 2024, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam mới đạt 13,17% GDP. Trong khi đó, mục tiêu của chúng ta cho năm 2025, tức là ngay năm nay, là 20%. Khoảng cách gần 7 điểm phần trăm trong một thời gian ngắn là một bài toán không hề đơn giản. Nếu chỉ dựa trên con số này và tốc độ tăng trưởng thông thường, việc đạt được mục tiêu 20% đòi hỏi một sự tăng trưởng vượt bậc, gấp nhiều lần so với giai đoạn vừa qua. Đây chính là thách thức lớn nhất mà chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận.
Phóng viên: Trước đó, ông từng có đề cập đến các kịch bản khác nhau để đạt được mục tiêu này. Đâu là con đường khả thi nhất và yếu tố then chốt để Việt Nam có thể về đích, thưa ông?
GS. Trần Thọ Đạt: Đúng vậy, chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề này qua hai kịch bản chính.
Kịch bản thứ nhất, như tôi vừa đề cập, là kịch bản đầy thách thức khi chúng ta dựa hoàn toàn vào con số 13,17% của GSO.
Kịch bản thứ hai mang tính khả thi cao hơn. Kịch bản này dựa trên một cách tiếp cận và đo lường khác. Theo con số ước tính của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tỷ trọng kinh tế số của chúng ta hiện đã ở mức khoảng 18% GDP. Nếu chúng ta lấy con số này làm cơ sở, thì việc đạt được mục tiêu 20% vào cuối năm 2025 là hoàn toàn khả thi.
![]() |
GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: Phan Chính) |
Vậy câu hỏi mấu chốt ở đây là gì? Đó là làm thế nào để chúng ta có một phương pháp tính toán, đo lường tỷ trọng kinh tế số một cách đầy đủ, toàn diện và phản ánh đúng bản chất hơn. Các cấu phần của kinh tế số rất rộng, từ kinh tế số lõi (ICT), kinh tế số lan tỏa trong các ngành, các lĩnh vực cho đến các mô hình kinh doanh mới. Điều cốt yếu là chúng ta phải tập hợp được đầy đủ các nguồn dữ liệu, các yếu tố cấu thành để đưa ra một con số chính xác. Khi chúng ta xác định đúng giá trị hiện tại của kinh tế số, con đường đến mục tiêu 20% sẽ trở nên rõ ràng và trong tầm tay.
Phóng viên: Nhìn rộng hơn, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52% là một con số rất ấn tượng. Theo ông, đâu là những động lực chính đã tạo nên kết quả này và liệu đà tăng trưởng này có thể duy trì đến cuối năm không?
GS. Trần Thọ Đạt: Con số 7,52% trong 6 tháng đầu năm thực sự là một sự tăng trưởng ngoạn mục, đặc biệt khi so sánh với nhiều năm qua. Nó thể hiện sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ và nỗ lực phi thường của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Chúng ta đã "ngược dòng" thành công trong một bối cảnh thế giới đầy biến động, từ xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng đến những rủi ro về thuế quan.
Kết quả này tạo ra một "đòn bẩy", một động lực rất quan trọng để chúng ta hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8% cho cả năm. Để duy trì đà tăng trưởng này từ nay đến cuối năm, chúng ta cần tiếp tục tập trung vào các động lực chính đã được xác định từ đầu năm.
Thứ nhất là quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, biến nguồn vốn này thành các công trình, dự án cụ thể, tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế. Thứ hai là tiếp tục thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư, không chỉ là FDI mà cả đầu tư trong nước. Và động lực thứ ba, mang tính dài hạn hơn, chính là sự tăng trưởng dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà kinh tế số là hạt nhân.
Phóng viên: Để kinh tế số thực sự cất cánh, hạ tầng là yếu tố đi trước một bước. Tuy nhiên, dường như sự quan tâm đầu tư cho hạ tầng số chưa tương xứng với hạ tầng cứng như đường sắt, đường bộ. Theo ông, vai trò của Nhà nước trong việc đầu tư vào lĩnh vực này cần được thể hiện cụ thể ra sao?
GS. Trần Thọ Đạt: Đây là một nhận định rất chính xác. Thời gian qua, chúng ta đã rất quan tâm và có những dự án rất lớn về hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nếu xác định kinh tế số là động lực tăng trưởng mẹ, chúng ta bắt buộc phải có những dự án đầu tư lớn, tương xứng cho cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cả về phần cứng và phần mềm.
Vai trò của Nhà nước ở đây là đặc biệt quan trọng và có những khác biệt so với các lĩnh vực khác. Trong kinh tế số, có những nền tảng, những dữ liệu mang tính sống còn, liên quan đến an toàn, an ninh mạng và khẳng định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đây chính là lĩnh vực mà đầu tư của Chính phủ, hay đầu tư công, phải giữ vai trò ưu tiên và chủ đạo. Chúng ta cần đầu tư vào hạ tầng mạng lõi, các trung tâm dữ liệu quốc gia để đảm bảo an toàn dữ liệu và chủ quyền số.
Bên cạnh đó, với các lĩnh vực khác của hạ tầng số, Nhà nước cần tạo điều kiện, tạo một sân chơi bình đẳng để các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam vươn lên. Chúng ta đã thấy những ví dụ thành công như FPT, CMC... họ không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà đã xuất khẩu được các sản phẩm "Make in Vietnam" ra thế giới. Tóm lại, phải có sự kết hợp hài hòa: Nhà nước tập trung đầu tư vào hạ tầng lõi chiến lược, và tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển các sản phẩm, dịch vụ khác.
Phóng viên: Một yếu tố không thể thiếu là nguồn nhân lực. Làm thế nào để chúng ta phát triển được nguồn nhân lực số đủ cả về lượng và chất, từ chuyên gia tinh hoa đến người lao động phổ thông, để đáp ứng cuộc cách mạng này, thưa Giáo sư?
GS. Trần Thọ Đạt: Chúng ta cần hiểu khái niệm "đào tạo nhân lực số" theo một nghĩa rộng và toàn diện. Thị trường lao động cho kinh tế số rất đa dạng và được phân khúc rõ ràng.
Ở tầng cao nhất, chúng ta cần đào tạo những chuyên gia cao cấp, những kỹ sư trình độ cao, không chỉ để làm việc trong nước mà còn đủ sức gia nhập các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Các trường đại học lớn, trong đó có Đại học Kinh tế Quốc dân, đang tập trung vào nhiệm vụ này, thu hút những sinh viên xuất sắc nhất, kể cả những em đoạt giải quốc gia, quốc tế.
Nhưng đó mới là một phần. Phần quan trọng không kém là làm sao để thu hẹp "khoảng cách số" trong xã hội. Điều này có nghĩa là chương trình đào tạo phải mang tính phổ cập, bao trùm và toàn diện. Chúng ta cần đào tạo kỹ năng số cho cả những người lao động phổ thông, cho những người dân bình thường, thậm chí cho cả những người đã về hưu để họ biết cách sử dụng điện thoại thông minh, tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến. Tôi hay nói vui rằng chúng ta cần một cuộc "bình dân học vụ số".
Mỗi đơn vị đào tạo, từ các trường đại học hàng đầu đến các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, đều có một vị thế và ưu thế riêng trong từng phân khúc của thị trường đó. Bức tranh tổng thể phải là một hệ sinh thái đào tạo sinh động, đáp ứng được mọi nhu cầu, từ tinh hoa đến đại chúng. Chỉ khi đó, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam mới thực sự là một quá trình chuyển mình về nhận thức của toàn xã hội, từ người dùng đến nhân lực chuyên nghiệp.
Xin chân thành cảm ơn giáo sư!