Việt Nam: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế

05:00 23/06/2023

Trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế với nhiều nội dung mới, yêu cầu mới.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Chúng ta đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội". Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân thương mại... đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đây là tiền đề để nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển tốt hơn.

Tính đến giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mặc dù trong thời gian đại dịch và suy thoái kinh tế, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt khoảng 1,7 nghìn tỷ USD, đã bằng gần 72% của cả nhiệm kỳ trước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tăng trưởng xuất nhập khẩu trong 2 năm đầu nhiệm kỳ cũng đã vượt xa mục tiêu đề ra. Cán cân thương mại hàng hóa đến nay cũng đã thặng dư 25 tỷ USD, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế.

"Việt Nam đã và đang tận dụng tốt lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do FTA đã ký kết. Đồng thời chúng ta cũng đã đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng và thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để làm sao giảm sự phụ thuộc vào các thị trường và ngành hàng truyền thống", ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê, cho biết.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực, các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, có công nghệ cao, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu là một trong nhiều điểm mới trong đường lối phát triển kinh tế đất nước được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để có thể đạt được các mục tiêu về thương mại đã đề ra từ nay tới hết nhiệm kỳ, Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, đi cùng với đó là đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, gắn với cạnh tranh và sáng tạo, kết nối tốt hơn các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài, cuối cùng là khai thác hiệu quả thị trường trong nước.

Ngọc Phi (TH)