Xuất khẩu của khu vực Đông Nam Á đã hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu cao từ các thị trường lớn đối với các sản phẩm điện tử và hàng hóa chế tạo. |
Điểm sáng kinh tế tại Đông Nam Á
Chuyên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu Yusof Ishak (Singapore) vừa qua đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Hiệu suất kinh tế của Đông Nam Á năm 2024 và triển vọng năm 2025: Hướng đi trước những rủi ro gia tăng” của chuyên gia Jayant Menon, có nhận định, nền kinh tế Đông Nam Á đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau 4 năm đại dịch với điểm sáng là các ngành du lịch, tiêu dùng và xuất khẩu.
Theo dự báo kinh tế tháng 12/2024 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á tăng từ 4,5% trong năm 2024 lên 4,7% trong năm 2025 nhờ xuất khẩu mạnh mẽ và chi tiêu vốn công ở các nền kinh tế lớn. Các quốc gia của khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam được hỗ trợ bởi các chính sách trong nước, lạm phát thấp và đầu tư công bền vững.
Thành tựu này có được nhờ sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài khu vực, qua đó thúc đẩy các lĩnh vực tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu - Chuyên gia Jayant Menon phân tích và dự báo rằng, tiêu dùng tại các thị trường lớn ở Malaysia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự phục hồi của chi tiêu bán lẻ.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, kinh tế Việt Nam không chỉ duy trì được quỹ đạo phát triển dài hạn mà còn một trong những nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% - đây là con số ấn tượng. Tăng trưởng GDP của Việt Nam vượt xa mục tiêu đặt ra từ đầu năm, trong kịch bản tăng trưởng cao. Đây cũng là mức cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Đồng thời, với mức tăng trưởng này, Việt Nam cũng nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
Đơn cử, với ngành du lịch, trong năm 2024, du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, với lượng khách tăng trưởng nhanh ở cả thị trường quốc tế và nội địa. Số liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, cả năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,6 triệu lượt người, tăng 39,5% so với năm trước. Về vấn đề này, chuyên gia Jayant Menon nhận định, giá cả ổn định và sự phục hồi của ngành du lịch đã góp phần nâng cao niềm tin người tiêu dùng khi Việt Nam đã vượt qua mức trước đại dịch về lượng khách du lịch.
Bài viết của chuyên gia Jayant Menon cũng chỉ ra, xuất khẩu của khu vực Đông Nam Á đã hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu cao từ các thị trường lớn (đặc biệt là Hoa Kỳ) đối với các sản phẩm điện tử và hàng hóa chế tạo. Nhu cầu toàn cầu gia tăng đối với chip trí tuệ nhân tạo (AI) đã thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử và bán dẫn phục hồi, thúc đẩy hiệu suất sản xuất mang lại triển vọng tích cực cho các quốc gia xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao như Việt Nam trong năm 2025.
Tận dụng cơ hội, thu hút đầu tư
Cùng với những triển vọng tích cực, kinh tế Đông Nam Á vẫn đối mặt với những rủi ro lớn do ảnh hưởng bởi tình hình thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đã tận dụng cơ hội, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thông qua việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong lĩnh vực công nghệ tầm trung đến cao. Nếu căng thẳng chính trị và thương mại tiếp tục leo thang, khu vực Đông Nam Á có thể chịu tác động tiêu cực làm chi phí tiêu dùng tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Chuyên gia Jayant Menon cũng dự đoán, khu vực Đông Nam Á có thể đối mặt với nguy cơ từ các thảm họa thiên nhiên và hiện tượng thời tiết cực đoan làm giảm GDP khu vực tới 30% vào năm 2050. Trong đó, các quốc gia đang phát triển được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn do thiếu sự chuẩn bị và nhiều lĩnh vưc phát triển kinh tế vẫn phụ thuộc vào tình hình thời tiết như nông nghiệp và thủy sản.
Trong dài hạn, sự chuyển đổi công nghệ, đặc biệt là số hóa và AI được kỳ vọng sẽ thúc đẩy năng suất tạo việc làm có thu nhập cao tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, việc này cũng gây ra thách thức ngắn hạn, đặc biệt đối với lao động kỹ năng thấp, ông Menon khuyến nghị các quốc gia tại Đông Nam Á phải đẩy mạnh đào tạo lực lượng lao động, qua đó giảm thiểu bất bình đẳng về kỹ năng và hạn chế chi phí tái cấu trúc. Trong khi đó, sự khác biệt về tốc độ già hóa dân số giữa các quốc gia trong khu vực tạo ra cơ hội và thách thức.
Đặc biệt, những tác động của tình hình thế giới có khả năng gây cản trở tiến trình chuyển đổi xanh và tiến bộ công nghệ của khu vực Đông Nam Á, do đó, chuyên gia Jayant Menon khuyến nghị Chính phủ và các doanh nghiệp Đông Nam Á cần duy trì chính sách trung lập để hạn chế các tác động tiêu cực từ tình hình thế giới đến việc phát triển kinh tế trong nước và khu vực.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2024, kinh tế Việt Nam phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2024 tăng 7,55%; tính chung cả năm 2024, GDP tăng 7,09%. Kết quả này được hỗ trợ từ sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm; các tập đoàn FDI lớn đầu tư vào Việt Nam, mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu thiết bị điện tử tăng trong bối cảnh chuyển đổi số. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi từ Chính phủ khuyến khích sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nước. |