Thị thực chung Đông Nam Á là sáng kiến do Thái Lan đang đề xuất cho 6 nước ASEAN gồm Campuchia, Malaysia, Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Sáng kiến này nhằm mục đích tổ chức hợp lý các quy định về thị thực và tạo ra một thị thực duy nhất cho các quốc gia trên.
Sáng kiến này phù hợp với xu hướng chung về hợp tác và hội nhập trong khu vực ASEAN như đã được nêu trong Diễn đàn Tương lai ASEAN diễn ra tại Hà Nội vào tháng 4/2024.
Về cơ bản, thị thực chung này sẽ cho phép công dân nước ngoài đến thăm sáu quốc gia bằng một thị thực duy nhất và di chuyển giữa các quốc gia này trong thời hạn thị thực.
Một lợi ích chính cho Việt Nam khi triển khai thị thực chung này là tiềm năng thúc đẩy du lịch. Thỏa thuận này dự kiến sẽ tăng số lượng khách du lịch quốc tế, đặc biệt là từ các thị trường có thu nhập cao và khoảng cách địa lý xa mà Việt Nam đang mong muốn thu hút như châu Âu và Bắc Mỹ. Những du khách này có thể chọn đến thăm Việt Nam như một phần trong kế hoạch du lịch Đông Nam Á của họ.
Qua đó, khoản thu từ du khách sẽ tăng, mang lại lợi ích cho nền kinh tế và cán cân thanh toán của Việt Nam. Ngoài ra, thị thực chung có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn và thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần nâng cao tính năng động của ngành du lịch và nền kinh tế nói chung.
Đề xuất do Thái Lan khởi xướng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều bên liên quan, bao gồm các chính phủ, doanh nghiệp, công ty lữ hành và giới học giả. Diễn đàn Kinh tế thế giới đã bày tỏ sự ủng hộ đối với thị thực ASEAN từ năm 2016, nhấn mạnh vào tiềm năng tăng cường hội nhập và sức mạnh tổng thể của ASEAN trong thị trường du lịch toàn cầu.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) ước tính rằng, việc đơn giản hóa quy trình cấp thị thực có thể giúp gia tăng đáng kể lượng du khách quốc tế đến ASEAN, cũng như doanh thu từ du lịch và số việc làm được tạo ra. Nghiên cứu này dự báo lượt khách quốc tế sẽ tăng 3,0-5,1%, doanh thu du lịch tăng 2,8-4,7% và số việc làm tăng 1,6-3,1%.
Việt Nam cần thực hiện một số bước chuẩn bị để sẵn sàng tận dụng các cơ hội mà thị thực chung mang lại, bao gồm thiết lập các hiệp định song phương và đa phương với các nước ASEAN và các quốc gia khác. Việt Nam đã đặc biệt thành công trong nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy du lịch thông qua các hiệp định song phương, như được dẫn chứng trong báo cáo gần đây của Viện chính sách Australia Việt Nam (AVPI).
Việt Nam và các nước thành viên khác cần xác định khung pháp lý, giải quyết các mối quan ngại chung về an ninh và giám sát, đồng thời đảm bảo tính tương thích của các chính sách thị thực. Các quốc gia tham gia phải đồng ý với các quy tắc nhập cảnh chung dành cho du khách đến từ nước thứ ba và điều chỉnh đồng bộ các chính sách nhập cảnh dành cho du khách quốc tế đến nước họ. Họ cũng phải hài hòa hóa cơ sở hạ tầng công nghệ và bảo mật của mình.
Nếu việc áp dụng thị thực chung trở thành hiện thực, Việt Nam nên chuẩn bị cho tiềm năng lượng khách du lịch quốc tế sẽ tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc cần nâng cấp cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông, tập trung vào phát triển mạng lưới kết nối các phương thức vận tải khác nhau và cùng một phương thức vận tải.
Việt Nam cũng cần sửa đổi các thủ tục nhập cảnh và an toàn thông tin, cũng như đào tạo và nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực. Điều này phù hợp với Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt gần đây (Quyết định 509/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ngày 13/6/2024).
Mặc dù cần xem xét cẩn thận một số vấn đề trước khi thực hiện cấp thị thực chung và còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến khả năng sáng kiến này sớm thành hiện thực, nhưng nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách vẫn rất lạc quan về tiềm năng của sáng kiến này.
Nếu dự đoán một cách lạc quan thì có thể cần đến hai năm để hiện thực hóa sáng kiến, còn thực tế hơn thì có thể phải đến năm năm. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, mọi thứ có thể tiến triển nhanh hơn.
Thông qua việc lập kế hoạch chiến lược và hợp tác với các thành viên ASEAN, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế của sáng kiến thị thực chung này nhằm thúc đẩy ngành du lịch và nâng cao vị thế là điểm đến du lịch hàng đầu trong khu vực.
Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro
(Chủ tịch Tiểu ban du lịch và nhà hàng khách sạn, EuroCham Việt Nam kiêm Giảng viên cấp cao ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Khoa Kinh doanh, RMIT Việt Nam)